Giáo sư Đại học Havard nói gì về động thái của doanh nghiệp Mỹ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden?

Ngọc Diệp Thứ hai, ngày 11/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, Giáo sư, TS. O. Dapice, Đại học Havard, cho hay ảnh hưởng của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden lên các doanh nghiệp Mỹ sẽ đến dần dần. Và không ngạc nhiên nếu việc sản xuất một số loại mặt hàng giá trị gia tăng thấp như dệt may, giày dép, đồ chơi có thể dịch chuyển sang Campuchia hoặc Bangladesh...
Bình luận 0

Chiều nay (ngày 10/9), chuyên cơ Không lực Một chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày.

Trong đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden lần này có Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống John Kerry; ngoài ra là các trợ lý, phó trợ lý và cố vấn đặc biệt của Tổng thống.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững.

Nhân sự kiện này, PV Dân Việt đã có trao đổi với GS. TS. David O. Dapice - học giả quốc tế, Đại học Tufts; Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard, nhận định về chuyến thăm của Tổng thống Biden cũng như triển vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Mỹ.

Quan hệ Việt Nam - Mỹ được nâng cấp, việc sản xuất một số loại mặt hàng giá trị thấp có thể dịch chuyển khỏi Việt Nam

Theo ông O. Dapice, ưu tiên lớn nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden lần này sẽ là nâng cấp quan hệ và củng cố cho hợp tác Mỹ - Việt Nam trong nhiều lĩnh vực trong đó có an ninh mạng, giáo dục, năng lượng xanh và có thể cả công nghệ cao.

GS. TS. David O. Dapice: Học giả quốc tế, Đại học Tufts; Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard.

GS. David Dapice là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á, ông nghiên cứu chuyên sâu về Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ông từng là cố vấn trưởng cho Bộ Tài chính Indonesia khi đất nước này đang tăng trưởng nhanh chóng.

GS. Dapice đã nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam từ cuối thập niên 1980, trọng tâm là các vấn đề kinh tế vĩ mô, chính sách đầu tư công, và phát triển vùng. Chính phủ Việt Nam thường xuyên tham khảo ý kiến chuyên môn của GS. Dapice về các vấn đề chính sách kinh tế. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều nghiên cứu chính sách, cụ thể là công trình Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông và Đông Nam Á và tương lai Việt Nam.

Ông O. Dapice nhận định quan hệ Mỹ - Việt Nam được nâng cấp, trong quan hệ ngoại giao, Mỹ sẽ có vị thế tương đương với Nga hoặc Trung Quốc. Trên thực tế, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao có rất nhiều ý nghĩa, nó làm gia tăng sự tự tin giữa hai nước về việc họ có thể hợp tác sâu rộng hơn về nhiều vấn đề cùng quan tâm.

Hiện tại, Mỹ đang là nước nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất của Việt Nam (Việt Nam có thặng dư thương mại 100 tỷ USD với Mỹ), chính vì vậy sẽ là có ý nghĩa để củng cố cho sự hợp tác này. Nếu Việt Nam muốn tăng cường vấn đề an ninh mạng, Việt Nam có thể cần đến trung tâm điện toán đám mây và có thể sẽ có sự hợp tác về vấn đề đó, trong đó có cả việc đào tạo các nhà khoa học máy tính.

Theo GS. TS. O. Dapice, Việt Nam cần phải củng cố cho lĩnh vực tư nhân, tăng cường đào tạo kỹ thuật trình độ trung và cao cũng như tiếp tục các biện pháp cải cách. Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, đầu tư công nghệ cao và cùng hợp tác với Việt nam trong lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Các khoản vay trong lĩnh vực tài chính xanh cũng có thể mang đến cú huých quan trọng.

Việt Nam ở vị thế phù hợp để làm nơi sản xuất thay thế cho một phần hàng hóa xuất khẩu, điều này đã được minh chứng ở một số khoản đầu tư lớn của Foxconn và Pegatron (các nhà cung cấp lớn của Apple). Việc tăng cường thêm các giá trị nội địa vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ giúp đảm bảo cho hàng xuất từ Việt Nam tránh được các mức thuế bổ sung, ông O. Dapice cho hay.

Việc lao động vùng nông thôn chuyển sang làm việc tại các nhà máy cũng có phần hạn chế. Chính vì vậy không ngạc nhiên nếu việc sản xuất một số loại mặt hàng giá trị gia tăng thấp có thể dịch chuyển sang Campuchia hoặc Bangladesh (hàng dệt may, giày dép, đồ chơi), các nhà máy ở Việt Nam tập trung vào các sản phẩm giá trị cao hơn, người lao động được trả lương tốt hơn.

Việc dịch chuyển này cũng sẽ giúp cho Việt Nam được bảo vệ khỏi việc doanh nghiệp sử dụng robot có trình độ công nghệ cao. Việc dịch chuyển trình độ sản xuất tại Việt Nam cần phải được thực hiện ở nhiều cấp. Tại cấp độ doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng làm việc trên quy mô lớn cho người lao động.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden: Ảnh hưởng lên các doanh nghiệp Mỹ sẽ đến dần dần

Theo ông O. Dapice, Chính phủ Việt Nam có thể có những biện pháp hỗ trợ tuy nhiên về dài hạn sẽ cần đến sự đầu tư. Nếu quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam được nâng cấp, nó sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin vào việc quy định sẽ không bị thay đổi đột ngột và hỗ trợ cho cả đầu tư FDI cũng như đầu tư nội địa dài hạn.

Việc Mỹ áp dụng thuế cao hơn với Việt Nam đã tạo ra thặng dư thương mại Việt – Mỹ cao hơn. Xét đến việc tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chững lại trong tương lai, việc gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm hiện nay sẽ giúp hỗ trợ cho tăng trưởng GDP mà không làm tăng thâm hụt hai chiều. Điều này sẽ xảy ra khi mà thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân kết nối tốt hơn với các doanh nghiệp FDI, ông O. Dapice phân tích.

Ảnh hưởng của chuyến thăm của ông Biden lên các doanh nghiệp Mỹ sẽ đến dần dần. Các doanh nghiệp lớn sẽ điều chỉnh kế hoạch của họ qua thời gian chứ không phải ngay lập tức. Ngoài ra cũng phải xét đến việc sẽ có giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm tại Mỹ do chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Tuy nhiên, ông O. Dapice tin rằng việc có được mối quan hệ thân tình và an toàn với Mỹ cũng sẽ giúp thu hút đầu tư không chỉ từ Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem