Sầu riêng ngon "có một không hai" ở Bến Tre được cấp chỉ dẫn địa lý
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) mới đây đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00080 "Cái Mơn" cho sản phẩm sầu riêng của tỉnh Bến Tre.
Theo đó, khu vực địa lý có sầu riêng được mang chỉ dẫn địa lý Cái Mơn gồm: 11 xã và thị trấn (huyện Chợ Lách); 4 xã: Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy, Phú Đức (huyện Châu Thành) và 4 xã: Nhuận Phú Tân, Hưng Khánh Trung A, Phú Mỹ và Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc).
Giống cụ thể được bảo hộ là sầu riêng Ri6 và sầu riêng Monthong. Với quyết định này, sầu riêng Cái Mơn được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam kể từ ngày ký.
Sầu riêng Cái Mơn có cơm màu trắng hoăc màu mỡ gà bọc quanh hạt lép có mùi thơm đặc trưng, cơm càng dày vị càng ngọt, càng béo đậm đà. Ăn vào có cảm giác như tan trong miệng. Có thể nói, không một loại sầu riêng nào có thể sánh bằng sầu riêng ở Cái Mơn.
Sầu riêng Cái mơn nặng trung bình từ một đến hai ký. Khi chín, vỏ tự tác thành bốn hoặc năm mảnh theo những khe chiều dọc, để lộ ra những múi béo ngậy gối lên nhau. Các múi đều nằm trong những buồng riêng biệt, mỗi buồng có từ 1-4 múi, lớn bé đều bằng nhau.
Từ việc chỉ một năm ra trái một mùa, sầu riêng Cái Mơn được áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến cho ra trái quanh năm. Ngày nay được nhân giống và trồng ở nhiều nơi khác chứ không chỉ riêng Bến Tre. Cũng có những giống sầu riêng của các nước khác lai tạo và mang về trồng như: Thái Lan, Malaysia,…
Thế nhưng thức quả của vùng đất này vẫn giữ được thương hiệu và dấu ấn riêng qua bao nhiêu năm đối với những ai trót yêu thích hương thơm và vị đặc trưng của sâu riêng.
Khu vực địa lý có các điều kiện đặc biệt về mặt địa hình, đất đai, thổ nhưỡng, thủy văn, khí hậu là các yếu tố tạo nên chất lượng đặc thù của sầu riêng Cái Mơn.
Về địa hình, khu vực địa lý có địa hình cao, bao gồm các dải đất cao ven các sông lớn và các giồng cát ven biển. Về thổ nhưỡng: Sa cấu đất thuộc nhóm thịt pha limon và sét, có khả năng thoát nước tốt; hàm lượng hữu cơ, đạm tổng số, calci và kali trao đổi trong đất cao.
Nguồn nước tưới dồi dào từ các sông lớn như Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên giúp cho chất lượng cơm của trái sầu riêng Cái Mơn không bị sượng khi chín như các vùng thiếu nước. Ngoài ra nguồn nước tưới giàu dinh dưỡng, không nhiễm mặn, có độ pH hơi kiềm nhẹ, hàm lượng Kali, Calci và Magie cao giúp cho sản phẩm có hương vị thơm ngon đặc biệt.
Khí hậu của khu vực địa lý đặc biệt thích hợp cho cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển với nhiệt độ trung bình khoảng 27 0C, ít biến động; lượng mưa trung bình năm thấp (từ 1200 – 1600 mm), tập trung vào các tháng 7, 8, 9 là thời điểm cây sầu riêng đã kết thúc thu hoạch giúp cho chất lượng cơm của quả sầu riêng Cái Mơn không bị nhão; biên độ nhiệt ngày đêm lớn; độ ẩm thấp nhất thường xảy ra vào tháng 12 đến tháng 1.
Ngoài ra các bí quyết canh tác truyền thống của người dân nơi đây như nhân giống vô tính, thiết kế vườn trồng theo hình thức xẻ mương, lên liếp, xây dựng đê bao quanh vườn, chủ động dự phong nguồn nước tưới bằng các giếng khoan cũng chính là yếu tố giúp tạo nên chất lượng có một không hai của sầu riêng Cái Mơn.
Tính đến nay, cùng với dừa xiêm xanh và bưởi da xanh, sầu riêng Cái Mơn là sản phẩm nông sản thứ 3 của tỉnh Bến Tre được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo quy định của Nhà nước.