Siêu công ty có vốn 144.000 tỷ: Sẽ ra sao nếu cổ đông không góp đủ vốn?

26/02/2020 17:36 GMT+7
Việc đăng ký vốn điều lệ "khủng" của USC Interco lên tới 144.000 tỷ đồng đặt ra dấu hỏi về khả năng tài chính của các cổ đông. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các cổ đông không góp đủ vốn?

Như Etime đã đưa tin, mới đây, thị trường tài chính, đầu tư đang xôn xao với thông tin Việt Nam xuất hiện một "siêu công ty". Thông tin từ Cục đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy trong tháng 1/2020, có một doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký lên đến 144.000 tỷ đồng.

Theo so sánh của Cafef, con số này tương đương tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và thậm chí còn lớn hơn vốn điều của Viettel, hiện đạt xấp xỉ 141.000 tỷ đồng.

Với số vốn khổng lồ 144.000 tỷ đồng, công ty này được tin là hoạt động trong các lĩnh vực "nóng" như tài chính, ngân hàng, bất động sản. Và nó phải thuộc sở hữu hoặc "sân sau" của một đại gia Việt đình đám nào đó.

Siêu công ty có vốn 144.000 tỷ: Sẽ ra sao nếu cổ đông không góp đủ vốn? - Ảnh 1.

CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đây là công ty thành lập tại Hoài Đức, Hà Nội. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Người đại diện của công ty không phải bất cứ đại gia Việt hoặc một doanh nhân nổi tiếng nào mà là một cái tên xa lạ. 

Cụ thể, siêu công ty này có tên có tên là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco).

USC Interco có trụ sở chính tại Số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, Việt Nam, Tên người đại diện theo pháp luật: Trần Gia Phong, sinh năm 1979.

Siêu công ty có vốn 144.000 tỷ: Sẽ ra sao nếu cổ đông không góp đủ vốn? - Ảnh 2.

USC Interco có vốn điều lệ siêu khủng.

Ông Trần Gia Phong là cổ đông của USC Interco khi nắm giữ 30% vốn, tương đương 43.200 tỷ đồng. Bà Kim Thị Phượng cũng sở hữu 30% vốn. Ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.

Việc đăng ký vốn điều lệ "khủng" của doanh nghiệp này đặt ra dấu hỏi về khả năng tài chính của các cổ đông. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các cổ đông không góp đủ vốn?

Trao đổi với Etime về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 26/11/2014, Luật Doanh nghiệp chính thức được Quốc hội ban hành. Luật Doanh nghiệp 2014 có những quy định mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Về vốn điều lệ, theo Luật này là tổng số vốn do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết sẽ góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ công ty. Vốn điều lệ công ty cho biết đó là tổng mức vốn đầu tư đăng ký ban đầu của tất cả thành viên vào công ty để dự tính hoạt động.

Nếu đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường không yêu cầu mức vốn pháp định thì theo luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, tức là kê khai mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô thực tế của doanh nghiệp mình bao nhiêu cũng được. Còn ếu doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh yêu cầu mức vốn pháp định thì doanh nghiệp cần kê khai mức vốn điều lệ tối thiểu bằng với mức quy định của ngành nghề kinh doanh đó.

Pháp luật không có quy định về mức vốn điều lệ tối đa, tức là không hạn chế việc bỏ tiền góp vốn vào làm ăn kinh doanh. Khi thành lập công ty/hoặc góp vốn vào công ty thì không cần chứng minh vốn điều lệ trong tài khoản ngân hàng.

Hiện tại pháp luật có quy định về thời hạn góp vốn điều lệ vào công ty là 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau ngày này nếu các thành viên không góp đủ thì sẽ phải điều chỉnh về số vốn thực tế đã góp.Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, cổ đông của công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Trong trường hợp này, cổ đông phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

Luật Doanh nghiệp cũng nghiêm cấm các hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

"Tuy nhiên thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký mức vốn điều lệ công ty nhưng sau đó cũng không cần chứng minh, họ chỉ cần hoạt động hiệu quả và quản lý chặt chẽ việc kinh doanh trong khả năng kiểm soát của mình. Việc đăng ký vốn điều lệ và việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức vốn điều lệ là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chỉ cần kinh doanh đúng luật và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ mình đăng ký khi xảy ra các vấn đề liên quan đế giải thể, phá sản thì cần đảm bảo nghĩa vụ với người lao động, đối tác, chủ nợ...", luật sư Bình nói.

A.Vũ
Cùng chuyên mục