Siêu lợi nhuận như cách tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn bán phở sân bay

02/10/2020 20:11 GMT+7
Được biết đến chủ yếu với lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam, song ít ai biết, Big Bowl-chuỗi cửa hàng phở ăn nên làm ra nhất hiện nay cũng có nhiều liên hệ với doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.

Siêu lợi nhuận như cách tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn bán phở sân bay - Ảnh 1.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn

Phở có thể xem là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt Nam, nên không có gì ngạc nhiên khi nhiều doanh nhân “chen chân” vào lĩnh vực này. Dẫu vậy, đặt cạnh quy mô phổ biến của các quán phở hiện nay thì Big Bowl lại nổi bật hơn cả khi có cả một chuỗi nhà hàng tọa lạc ở những vị trí đắc địa nhất tại sảnh chờ của các sân bay lớn.

Theo giới thiệu trên website, Big Bowl cho biết, thương hiệu này có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 2012 và hiện hệ thống 18 nhà hàng này đã trải rộng khắp các sân bay quốc tế tại Việt Nam, như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc.

Nhờ vậy, các cửa hàng Big Bowl thường khá đông khách dù cho mức giá khá cao từ 68.000-88.000 đồng cho một bát phở tiêu chuẩn. Điều này giúp cho đơn vị sở hữu thương hiệu Big Bowl thu về kết quả kinh doanh ấn tượng.

Theo đó, trong vòng 4 năm từ 2015-2019, doanh thu của công ty tăng hơn gấp đôi từ 500 tỷ lên 1.158 tỷ đồng, còn lợi nhuận thì tăng gần gấp bốn, từ 76 tỷ lên 286 tỷ đồng. Bình quân trong năm 2019, mỗi ngày hệ thống các cửa hàng của Autogrill VFS F&B – bao gồm cả Big Bowl và các thương hiệu khác như Star Café… thu về gần 3,2 tỷ doanh thu và gần 800 triệu lợi nhuận. Điều này tương đương với việc tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của Autogrill VFS F&B lên đến gần 25%, tức thu 4 đồng sẽ lãi 1 đồng, trong khi đó Golden Gate – đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng lớn nhất hiện nay lại đạt chưa đến 10% với 399 tỷ lợi nhuận trên gần 4.800 tỷ doanh thu.

Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, Big Bowl là thương hiệu thuộc sự quản lý trực tiếp của Công ty TNHH Autogrill VFS F&B.

Tại ngày 28/9/2015, Autogrill VFS F&B có vốn điều lệ ở mức 104,1 tỷ đồng, cổ đông lớn gồm Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (nắm giữ 30%) và HMShort Internatinonal B.V (trụ sở Hà Lan nắm 70%). Đến ngày 26/3/2020, công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn tổng hợp, trụ sở chính đặt tại Kiosk 1.1.16, lầu 1, ga đi quốc tế, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Trương Thanh Tùng (sinh năm 1969). Đây cũng là người đại diện cho loạt chi nhánh của Autogrill VFS F&B tại Hà Nội, Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc.

Trong đó, Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam là công ty được thành lập vào tháng 10/2010, cập nhật đến ngày 18/8/2020 vốn điều lệ ở mức 470 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP, 89,1%), Lê Hồng Thủy Tiên (5,7%), Nguyễn Phi Long (2,6%) và Nguyễn Quốc Khánh (2,6%).

IPP là hạt nhân trong “hệ sinh thái” của ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên - phu nhân của vị doanh nhân sinh năm 1951 này.

IPP được thành lập vào ngày 29/10/2002, trụ sở chính đặt tại tầng 3 tòa nhà Opera View 161 Đồng Khởi, Quận 1, TP. HCM, với ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh.

Tính đến ngày 9/8/2017, IPP có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên sở hữu 60% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại được chia đều cho ông Nguyễn Phi Long và ông Nguyễn Quốc Khánh, mỗi người nắm giữ 20%.

Theo giới thiệu trên website, sau nhiều năm phát triển, IPP đã phát triển hệ sinh thái lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Đáng chú ý, IPP cho biết, đơn vị này đã chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp & trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng.

Bên cạnh hàng hiệu hay dịch vụ sân bay, IPP cũng trực tiếp đầu tư một số dự án bất động sản quy mô khủng, trong đó nổi bật là dự án đầu tư xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc với tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 6.830 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, IPP từng đầu tư xây dựng dự án Nhà ga Quốc tế (T2) - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, tại đây, IPP đầu tư dự án này thông qua chủ đầu tư là CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh – công ty thành viên được IPP trực tiếp sở hữu 55% vốn.

Ngoài ra, hệ sinh thái của “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn còn có nhiều doanh nghiệp khác hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Công ty TNHH Kinh doanh miễn Thuế Việt Nam (kinh doanh hàng miễn thuế), IPP Travel Retail (dịch vụ sân bay), IPP Media (dịch vụ quảng cáo), IPP Leaf (thuốc lá), IPP Spirits (rượu thượng hạng), IPP Technology (công nghệ thông tin).

Theo Khánh An/Nhà Đầu tư
Cùng chuyên mục