Siêu thị tăng lưu trữ hàng hóa 30%, thịt lợn không "đội" giá dịp Tết Tân Sửu 2021

05/01/2021 14:56 GMT+7
Theo đại diện các doanh nghiệp siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội, hiện tại, các đơn vị này đã tăng lượng lưu trữ hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Tân Sửu 2021. Ngoài ra, lãnh đạo ngành công thương khẳng định, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, “đội” giá với thịt lợn.

Theo ông Lê Mạnh Phong, giám đốc Vùng Hà Nội Tập đoàn Central Group cho biết, chuẩn bị Tết Tân Sửu 2021, hệ thống siêu thị địa bàn Hà Nội của doanh nghiệp này đã tăng lượng dự trữ hàng hóa hơn 30% so với kế hoạch Tết 2020.

Trong đó, nguồn hàng trong nước, các mặt hàng truyền thống được đặc biệt chú trọng. Ngoài ra, trong bối cảnh người dân đang có xu hướng hạn chế chi tiêu do lo ngại dịch Covid-19, phía doanh nghiệp cũng tăng lượng mặt hàng khuyến mại.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) thông tin, hiện tại, tổng lượng hàng hóa dự trữ chuẩn bị Tết Tân Sửu 2021 của doanh nghiệp này ước đạt gần 1.000 tỷ.

Siêu thị tăng lưu trữ hàng hóa 30% phục vụ Tết Tân Sửu 2021 - Ảnh 1.

Các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều đã bắt đầu kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết Tân Sửu 2021

Về thành phần, bà Đỗ Tuệ Tâm cho hay, hàng Việt Nam chiếm 80% lượng hàng hóa bán tại hệ thống siêu thị. Ngoài ra, các siêu thị thuộc hệ thống của Hapro sẽ mở cửa phục vụ muộn nhất đến 21h30 ngày 30 Tết tùy khu vực. Từ mùng 4 Tết, hệ thống bán lẻ và dịch vụ của Hapro sẽ đồng loạt mở cửa bán hàng bình thường.

Ngoài nguồn cung hàng hóa trong nước, các đơn vị phân phối cũng đã chủ động trong việc nhập khẩu trái cây, thực phẩm, đặc biệt là đối với mặt hàng thịt lợn. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG thông tin thêm, phía doanh nghiệp vừa nhập khẩu 3 container thịt lợn từ Mỹ (23 tấn/container).

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Vincommerce cũng nhập khẩu thịt lợn, thịt bò từ Mỹ và hiện hàng đã về kho của doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội nhận định, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nhất là đối với mặt hàng đông lạnh cần được thực hiện chặt chẽ.

Nguyên nhân là do các sản phẩm này yêu cầu điều kiện kiện bảo quản xuyên suốt. Đáng chú ý, ông Hùng cho biết, lực lượng quản lý thị trường có ghi nhận tình trạng một số mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại ghi nhãn mác Việt Nam.

"Chúng tôi kiểm tra ở một số siêu thị và đã có hiện tượng này. Các siêu thị cần kiểm soát nguồn hàng đưa vào, nhất là các siêu thị cho thuê các gian hàng phải kiểm soát đối tượng thuê gian hàng, tránh trường hợp các hộ trà trộn kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gây mất uy tín cho toàn bộ siêu thị", ông Hùng phân tích.

Đối với mặt hàng thịt lợn, báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, có thể thiếu hụt 5-7% vào dịp Tết Tân Sửu 2021. Theo đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà sản xuất điều tiết lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng.

Siêu thị tăng lưu trữ hàng hóa 30% phục vụ Tết Tân Sửu 2021 - Ảnh 2.

Thịt lợn được dự báo có thể thiếu từ 5 đến 7% vào dịp Tết Tân Sửu 2021.

"Doanh nghiệp cần chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ lợi nhuận của mình, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng nóng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của nhà nước", ông Đông nhấn mạnh.

Theo thông tin từ bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho hay, hiện tại, ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP. Hà Nội đạt 39.400 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết 2021 tăng trung bình từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020.

Tuy nhiên, cũng theo bà Lan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, việc thu hút doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại vì phải kiểm soát giá cả.

Bên cạnh đó, quy định các điểm dừng, đỗ vẫn phải theo quy định chung, do đó, khó khăn trong công tác vận chuyển đưa hàng hóa từ các kho hoặc các tỉnh đến các điểm bán.

Ngoài, bà Lan cho biết thêm, một khó khăn lớn nữa đối với doanh nghiệp là về vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn do những thủ tục giấy tờ, quy định riêng từ phía ngân hàng.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục