Smartphone Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á như thế nào?

21/08/2019 06:49 GMT+7
Theo Canalys; Samsung, Oppo, Vivo và Xiaomi hiện cũng là bốn ông vua thống trị 5 thị trường lớn của Đông Nam Á gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Một quầy trưng bày sản phẩm Oppo tại siêu thị điện máy Singapore

Mặc dù thị phần smartphone quốc tế của Huawei đang giảm mạnh sau khi hãng này lọt vào danh sách đen của thị trường Mỹ, các thương hiệu smartphone Trung Quốc khác vẫn đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên phổ biến tại khu vực Đông Nam Á.

Đoàn Kim Chi, một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, tín đồ trung thành của iPhone nhiều năm nay cũng phải thừa nhận sự phổ biến của các dòng smartphone Trung Quốc trên thị trường Việt Nam.  “Bạn có thể bắt gặp quảng cáo của các nhãn hàng như Oppo ở khắp mọi nơi trong thành phố Hà Nội. Họ trả tiền thuê nhiều ngôi sao nổi tiếng giúp quảng bá sản phẩm của mình trong thị trường Việt Nam.”

Chi hiện đang dùng chiếc iPhone XS Max do chồng cô tặng, có giá khoảng 25,5 triệu đồng. Mặc dù rất hài lòng với chiếc điện thoại của mình nhưng theo Chi, không khó để nhận ra Apple và Samsung đang dần mất đi vị trí thống trị thị trường vào tay các dòng smartphone Trung Quốc. “Sự xuất hiện của những thương hiệu như Oppo, Vivo, Xiaomi với mức giá đặc biệt hấp dẫn cùng chiến lược marketing nội địa phù hợp đang dần trở nên quen thuộc với người Việt.”

“Quảng cáo của Oppo chiếm sóng trong nhiều khung giờ vàng trên truyền hình, ngay sau chuyên mục Thời sự hay xen giữa các bộ phim truyện hấp dẫn với hàng triệu người theo dõi.” – chị Chi cho biết.

Sau khi thành công chiếm thị phần lớn tại hai thị trường smartphone lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, 3 thương hiệu smartphone Trung Quốc là Oppo, Vivo và Xiaomi đồng thời chuyển hướng tấn công thị trường Đông Nam Á. Trong số 30,7 triệu chiếc smartphone mà các nước Đông Nam Á tiêu thụ trong quý II vừa qua, có tới 62% thuộc về 3 nhãn hàng Trung Quốc kể trên, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Matthew Xie , một chuyên gia phân tích của Canalys nhận định: “Đông Nam Á là thị trường mới nổi, còn rất nhiều cơ hội khai thác so với các thị trường khác trên thế giới. Với 75% trong số các lô hàng tiêu thụ là sản phẩm smartphone có giá dưới 200 USD (4,6 triệu đồng), thị trường này chủ yếu tập trung vào phân khúc smartphone bình dân, phân khúc mà độ trung thành của người tiêu dùng với nhãn hàng ưa thích là khá thấp. Tận dụng lợi thế cạnh tranh về giá, việc các thương hiệu Trung Quốc thành công trên thị trường này là điều dễ hiểu”. 

Hiện tại, Samsung vẫn là hãng smartphone có doanh số đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng 5% trong quý II sau 3 quý liên tục sụt giảm. Oppo, Vivo và Xiaomi lần lượt giữ vị trí thứ hai, thứ ba và thứ tư. Đáng ngạc nhiên nhất là sự tăng trưởng vượt bậc 49% của Oppo trong 3 tháng quý II. Realme, một thương hiệu cùng chung chủ sở hữu với Oppo cũng lần đầu lọt top 5 thương hiệu smartphone bán chạy nhất Đông Nam Á, với doanh số 1,6 triệu chiếc, tương đương khoảng 5,2% thị phần. 

Cũng theo Canalys; Samsung, Oppo, Vivo và Xiaomi hiện cũng là bốn ông vua thống trị 5 thị trường lớn của Đông Nam Á gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. 

Kiranjeet Kaur, giám đốc nghiên cứu cấp cao của IDC tại Singapore cho biết: “Các thương hiệu smartphone Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc hành trình tấn công, chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Nó không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho thị trường những sản phẩm với mức giá cạnh tranh mà cả các tính năng hấp dẫn người dùng bao gồm hiệu ứng camera vượt trội, dung lượng pin…”

Đáng lưu ý là thời điểm các nhãn hiệu Trung Quốc kể trên trở nên phổ biến tại Đông Nam Á cũng là thời điểm mà Huawei Technologies, nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ hai trên thế giới sau Samsung bị đưa vào danh sách đen. Điều này đã khiến Huawei có nguy cơ bị ngừng truy cập các ứng dụng của Google, Facebook...và bị vô hiệu hóa quyền sử dụng hệ điều hành Android. Ngay sau khi bị đưa vào danh sách đen, doanh số Huawei trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh. Hãng này ngay lập tức quay lại chiếm lĩnh thị trường nội địa, tận dụng tinh thần dân tộc của người Trung Quốc trong bối cảnh bị Mỹ “chèn ép”.

Nhận định về điều này, ông Kaur cho biết: “Bất kì khoảng trống nào mà Huawei thả lỏng ngay lập tức sẽ bị các đối thủ cạnh tranh tận dụng triệt để, đặc biệt là ở phân khúc trường cao cấp hơn.”

Hứa Ngọc Thanh
Tags:
Cùng chuyên mục