Xây dựng nhà ở đối phó với nước biển dâng và hiện tượng ngập lụt ở ĐBSCL

16/11/2024 15:25 GMT+7
Ngày 16/11, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2024 với chủ đề: "Kiến trúc nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu".

Tại hội thảo, cả lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia đều đồng tình cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nhà ở đối phó với biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ.

Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều tác động đáng kể đến tỉnh Vĩnh Long nói riêng cũng như khu vực ĐBSCL nói chung. Đặc biệt sự ảnh hưởng của nước biển dâng và hiện tượng ngập lụt tại Vĩnh Long gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Sớm nghĩ đến chuyện làm nhà ở đối phó với biến đổi khí hậu- Ảnh 1.

Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thông tin tại hội thảo. Ảnh: Quang Dương

Từ năm 2000 đến nay, mực triều cường tại sông Cửu Long đã tăng 15- 20 cm, dẫn đến ngập lụt ngày càng thường xuyên hơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các công trình; các khu vực ven sông và đất thấp cũng bị xói mòn nhanh chóng, đe dọa hạ tầng kỹ thuật và các công trình ngầm.

"Bên cạnh đó, hiện tượng xâm nhập mặn ở Vĩnh Long ngày càng phức tạp và lan rộng. Trong đó, những khu vực có độ mặn lên tới 4 phần ngàn vào mùa khô, gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt. Sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng hơn", ông Ngời cho biết.

Những điều kiện bất lợi do tự nhiên gây ra, buộc các công trình tại Vĩnh Long phải xây dựng với kết cấu bền vững hơn để chống chịu tốt hơn. Lượng mưa lớn kết hợp triều cường thường gây ra tình trạng lũ lụt tại các khu vực trũng thấp.

Sớm nghĩ đến chuyện làm nhà ở đối phó với biến đổi khí hậu- Ảnh 3.

Các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân cần sớm nghĩ đến câu chuyện làm nhà ở đối phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Quang Dương

Trong khi đó, TS. KTS. Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống, xã hội. Do đó đòi hỏi giới kiến trúc sư cần có thêm các lý luận và nghiên cứu đối với lĩnh vực nhà ở, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội một cách sáng tạo và bền vững.

"Trên tinh thần chủ động và tiên phong, Hội Kiến trúc sư Việt Nam luôn cố gắng nhập cuộc những kế hoạch hành động quốc gia, với tinh thần tâm huyết cao nhất, chuyên môn cống hiến kịp thời nhất với lực lượng chuyên gia giàu trí tuệ, nhiệt thành nhất, kết nối sẻ chia trên phạm vi trong nước và quốc tế cùng đồng hành", ông Sơn nhấn mạnh.

Sớm nghĩ đến chuyện làm nhà ở đối phó với biến đổi khí hậu- Ảnh 4.

Không gian Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2024 với chủ đề: "Kiến trúc nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu". Ảnh: Quang Dương

Tại hội thảo, các giải pháp kiến trúc được đề xuất đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các công trình nhà ở bền vững như: Quy hoạch hợp lý; kết hợp với việc bảo tồn các giá trị văn hóa; ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là chìa khóa giúp ĐBSCL phát triển bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ an toàn cho người dân.

Hội thảo có sự trực tiếp tham gia của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, từ góc nhìn quản lý đã gợi mở những hướng đi hữu ích và thực tế cho vùng nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu ở nước ta - ĐBSCL.

Được biết, hội thảo lần này được tổ chức trong chuỗi sự kiện Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh lần thứ 1 tại tỉnh Vĩnh Long từ ngày 16-23/11/2024; bao gồm Lễ trao giải cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long" và Triển lãm trưng bày mô hình mẫu nhà ở nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.


Quang Dương
Cùng chuyên mục