SSI Research: Tăng trưởng tín dụng 2022 ước tính dao động từ 15-16%

06/08/2022 07:33 GMT+7
SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15-16%, và mức tăng trưởng này là tăng trưởng danh nghĩa, tuy có thể cao hơn trung bình các năm trước, nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát ở mức cao (nên mức vay vốn lưu động của các DN thường sẽ tăng cao).

Lấy lại cân bằng nhờ động lực từ nhóm ngân hàng

Trong báo cáo chiến lược mới đây, phân tích của SSI Research chỉ ra, chỉ số VNIndex đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 7 tại mốc 1.206,33 điểm, tăng nhẹ 8,73 điểm (+0,73%) so với cuối tháng 6 và thu hẹp một chút mức giảm từ đầu năm xuống còn -19,49%. Nâng đỡ cho chỉ số đại diện HOSE chủ yếu đến từ các mã BID (+11,3%), SAB (+16,43%), VIB (+23,7%), TCB (+6,61%), VNM (+4,36%), BCM (+9,7%), STB (+14,88%), MBB (+5,99%), GVR (+5,99%), DIG (+31,99%).

Thanh khoản có tháng đi xuống thứ 4 liên tiếp, chỉ đạt 10 nghìn tỷ đồng trên HOSE qua kênh khớp lệnh và mức này kém rất xa mức đỉnh 24,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 3. Nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, việc thanh khoản xuống mức thấp trong một trạng thái đi ngang cho thấy lực bán đã suy yếu đáng kể và có thể là một chỉ dấu cho thấy khả năng thị trường đã đạt được trạng thái cân bằng trong ngắn hạn.

Dòng tiền thu hẹp hoạt động khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình thấp được ưu tiên hơn nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số VNSmallcap tăng 3,81% và chỉ số VNMidcap tăng 4,46% trong tháng 7, trong khi đó chỉ số VN30 giảm 1,35%. Một số cổ phiếu ở nhóm VNMidcap diễn biến vượt trội thị trường có thể kể đến như VIB (+23,7%), LPB (+16,4%), DXG (+27,1%), DIG (+32%), KBC (+15%), MSB (+9,4%), GEX (+20,4%).

Nhìn theo bức tranh ngành, tháng 7 cho thấy sự khởi sắc khá rõ nét ở nhóm Tài chính với mức tăng +5,3% sau chuỗi 5 tháng liền liên tục đi xuống. Có thể nhìn thấy điều này ở trên khi nhiều cổ phiếu ngân hàng đã quay trở lại nâng đỡ giúp thị trường đạt được trạng thái cân bằng. Công nghiệp (+4,1%) và Y tế (+4,9%) là 2 nhóm ngành cũng thu hút được tốt dòng tiền. Đáng chú ý, nhóm Hàng tiêu dùng không thiết yếu (-12,5%) là nhóm giảm mạnh nhất tháng 7 và có mức giảm nhất lớn nhất từ đầu năm do sự đi xuống gần 15% của MWG. Trong khi đó, các nhóm ngành còn lại biến động không quá lớn. Tính từ đầu năm, nhóm ngành Công nghệ thông tin là nhóm duy nhất đạt được tăng trưởng dương +5,5%.

Riêng khối ngoại lại kết thúc chuỗi 3 tháng mua ròng liên tục trong quý 2 bằng tháng 7 bán ròng với giá trị -673 tỷ đồng trên HOSE. Có thể thấy khối này tập trung bán ròng ở 2 tuần đầu tháng và mua ròng trở lại vào tuần cuối tháng, dù vậy mua ròng chủ yếu tập trung ở KDC +980 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận. Theo sau KDC, các mã VNM +521 tỷ đồng và STB +260 tỷ đồng là 2 mã được mua ròng tốt nhất. 

Ở nhóm bán ròng, giá trị cao nhất lần lượt ghi nhận ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND -751 tỷ đồng, HPG -557 tỷ đồng, VHM -493 tỷ đồng, NVL -433 tỷ đồng, BSR -318 tỷ đồng…

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15-16%

Sau khi Việt Nam ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2022, các dữ liệu vĩ mô trong tháng 7 đã bắt đầu cho thấy đà hồi phục chậm lại dưới áp lực lạm phát cũng như tác động từ các yếu tố quốc tế. Bên cạnh đó, NHNN có những động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ đáng chú ý trong tháng nhằm ổn định tỷ giá và thanh khoản hệ thống. 

SSI Research cho rằng các động lực tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ít nhất trong những tháng còn lại của năm 2022 nhưng các biến số vĩ mô đã không còn quá tích cực như giai đoạn trước.

Xuất khẩu và tiêu dùng chậm lại

Trong tháng 7, tăng trưởng từ khu vực dịch vụ vẫn duy trì ở mức tốt nhờ sự hồi phục của ngành du lịch, trong khi đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đã phần nào chậm lại. 

Tốc độ tăng của doanh thu bán lẻ và dịch vụ chậm lại, với mức tăng 3,8% so với tháng trước (so với 4,0% trong tháng 6), nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình trước Covid là 2%. Trong đó, doanh thu liên quan đến ngành du lịch vẫn ghi nhận tích cực khi đây là giai đoạn cao điểm du lịch nội địa trong khi vận chuyển hành khách quốc tế giảm nhẹ khi động lực liên quan đến SEAgames không còn nữa.

SSI Research: Tăng trưởng tín dụng 2022 ước tính dao động từ 15-16% - Ảnh 1.

Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, tăng trưởng trong tháng 7 giảm xuống còn 1,5% so với tháng trước (so với 1,8% trong tháng 6), phản ánh cầu nội địa yếu hơn dưới ảnh hưởng của lạm phát. Trên thực tế, khi theo dõi sản lượng xuất bán từ Petrolimex và PVoil (chiếm thị phần khoảng 60-70% cả nước), giá xăng dầu tăng mạnh đã khiển tổng sản lượng trong tháng 7 giảm khoảng 11% so với tháng 6. Tương tự, doanh thu lương thực, thực phẩm tại TP. HCM hầu như đi ngang trong tháng 7 (trong khi chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng 1,13% so với tháng trước), cho thấy sức mua đã không còn đà tăng trưởng mạnh.

Điều chỉnh chính sách tiền tệ thận trọng nhằm cân bằng các mục tiêu vĩ mô

Như kỳ vọng, lạm phát trong tháng 7 cho thấy sự bật lên của giá lương thực, thực phẩm (+3% so với cùng kỳ) phản ánh tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm. Ngược lại, giá xăng dầu điều chỉnh trong tháng 7 đã hỗ trợ lớn tới chỉ số CPI.

Nhờ vậy, lạm phát bình quân 7 tháng được kiểm soát chặt chẽ ở mức 2,5% - thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 4% của Chính phủ.

Các động lực chính ảnh hưởng đến lạm phát này là các sản phẩm xăng dầu (xăng, LPG, v.v.). Càng về cuối năm, áp lực lạm phát sẽ ngày càng rõ ràng hơn, và trên thực tế NHNN cũng đã có những động thái điều chỉnh nhằm cân bằng giữa áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất.

Sau khi liên tục hút ròng thông qua phát hành tín phiếu cũng như nới rộng kỳ hạn kênh phát hành này, trong 2 tuần cuối tháng 7, thanh khoản trên hệ thống gặp nhiều áp lực và đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thời điểm tăng vượt 5%. Điều này là sự kết hợp của nhiều yếu tố, một phần đến từ việc thực hiện các hợp đồng bán USD, một phần từ việc hút tiền qua kênh tín phiếu và có thể mang tính mùa vụ khi đây thường là thời điểm nộp thuế về KBNN. Gần như ngay lập tức, NHNN bơm ròng một lượng lớn tiền thông qua hoạt động thị trường mở và đồng thời cũng linh hoạt thay đổi phương thức đấu thầu trên kênh này, chuyển từ đấu thầu khối lượng sang đấu thầu lãi suất nhằm để thị trường xác định mức lãi suất hợp lý trên kênh này. Lãi suất OMO đã bật tăng mạnh từ mức 2,5% trước đó lên 4,3% cho kỳ hạn 1 tuần.

Việc để thị trường chủ động xác định mức lãi suất OMO là động thái chủ động đến từ NHNN, bên cạnh việc giảm bớt áp lực điều hành nhằm ổn định tỷ giá (chênh lệch lãi suất VND - USD đang được duy trì ở mức khoảng 100 – 200 bps), cũng giúp lãi suất OMO được điều chỉnh lên mức hợp lý hơn mà không gây ra nhiều xáo trộn lớn trên thị trường.

SSI Research: Tăng trưởng tín dụng 2022 ước tính dao động từ 15-16% - Ảnh 2.

Về tăng trưởng tín dụng, số liệu từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% tính đến cuối tháng 7, không có nhiều thay đổi so với dữ liệu vào cuối tháng 6. NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay và chúng tôi cho rằng việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng và mức độ sẽ không quá cao. 

SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15-16%, và mức tăng trưởng này là tăng trưởng danh nghĩa, tuy có thể cao hơn trung bình các năm trước, nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát ở mức cao (nên mức vay vốn lưu động của các DN thường sẽ tăng cao).

Dữ liệu kinh tế tháng 7 đã phần nào cho thấy nền kinh tế sẽ có một khoảng thời gian thách thức ở phía trước. Rủi ro từ các yếu tố bên ngoài chưa có nhiều sự cải thiện, như rủi ro suy thoái ở Mỹ, chính sách Zero Covid ở Trung Quốc, hay thậm chí là căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc, có thể tạo ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế hơn ước tính. Chính sách tiền tệ được NHNN điều hành thận trọng nhưng cũng có nhiều sự linh hoạt sẽ là một điểm cộng lớn trong việc ổn định vĩ mô, bên cạnh chính sách tài khóa mở rộng thông qua gói hỗ trợ kinh tế.

An Vũ
Cùng chuyên mục