Startup công nghệ sinh học Việt vươn tầm thế giới

04/12/2023 08:20 GMT+7
Với nền tảng sẵn có, sự đồng hành hợp tác của các quỹ đầu tư và sự công nhận của Chính phủ, cộng đồng startup, Buyo Bioplastics đặt tham vọng trở thành một trong những nhà cung cấp nhựa sinh học hàng đầu Việt Nam và thế giới.

Chỉ vài ngày sau khi xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam năm 2023 và giải khuyến khích chương trình SK Startup Fellowship (SKSF 2023), Công ty Nhựa sinh học Buyo Bioplastics (Buyo) liên tiếp nhận được nhiều email, điện thoại liên hệ của khách hàng trong và ngoài nước hỏi về sản phẩm, đặt vấn đề mua hàng...

Biến bã hèm, bã mía… thành nhựa

Buyo mới thành lập năm 2022, hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề rác thải nhựa toàn cầu. Công ty sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để biến rác hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp như bã hèm, bã mía… thành một loại vật liệu mới thay thế nhựa, có nguồn gốc 100% hữu cơ, có thể phân hủy trong vòng 1 năm thay vì 500 năm như nhựa thông thường, an toàn cho môi trường và sức khỏe nhưng vẫn đáp ứng được các tính năng của nhựa với giá cả hợp lý.

Đây là một công nghệ mới mang tính tiên phong không chỉ tại Việt Nam mà cả thế giới, do đội ngũ các chuyên gia và nhà khoa học của Buyo tự phát triển 100% tại Việt Nam, với sự hỗ trợ và tư vấn của Công ty Bia AB InBev (công ty bia lớn nhất thế giới của Bỉ) cùng Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.

Ngoài giải thưởng Techfest và SKSF 2023, Buyo còn là đại diện của Việt Nam tham gia nhiều chương trình tăng tốc dành cho các startup nổi bật của một số chính phủ, tập đoàn nước ngoài. Chị Đỗ Hồng Hạnh, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Buyo, cho biết những giải thưởng danh giá trên cho thấy giải pháp chuyên sâu, có hàm lượng công nghệ cao của công ty đã được Chính phủ, cộng đồng startup thế giới lẫn trong nước công nhận.

Hiện Buyo sản xuất thử nghiệm tại nhà máy ở huyện Củ Chi, TP HCM, sản lượng khoảng 5-10 tấn/tháng các loại bao gói mềm như màng bọc, túi đựng, các loại nhựa cứng như khay, bộ đồ ăn, ly, hũ, chai. Sắp tới, công ty sẽ đưa ra thị trường nhóm sản phẩm nhựa dùng trong y tế, mỹ phẩm và thực phẩm. "Buyo đang nghiên cứu cải tiến sản xuất, kéo giảm giá thành sản phẩm không quá chênh lệch với nhựa thông thường để nâng cao hơn nữa lợi thế cạnh tranh" - chị Hạnh nói.

Startup công nghệ sinh học Việt vươn tầm thế giới - Ảnh 1.

Chị Đỗ Hồng Hạnh, CEO Buyo Bioplastics, thuyết trình tại chương trình Tuần lễ Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP HCM 2023 Ảnh: Hoàng Triều

Cần thêm những bàn tay hỗ trợ

Theo chị Đỗ Hồng Hạnh, trong từng giai đoạn phát triển, startup sẽ gặp những khó khăn riêng. May mắn là trong giai đoạn "mùa đông gọi vốn" trên toàn cầu hiện nay, những lĩnh vực về công nghệ vật liệu mới thân thiện với môi trường nhận được rất nhiều sự quan tâm và ưu tiên của các nhà đầu tư. Đặc biệt, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng rót vốn cho những startup tiềm năng, giúp những nhà sáng lập dự án giải quyết bài toán vốn trong giai đoạn đầu và tạo bệ phóng hiện thực hóa các ý tưởng. Điển hình là Buyo đã gọi vốn thành công từ 2 quỹ đầu tư mạo hiểm từ khi dự án còn ở giai đoạn thai nghén. Trong đó, Quỹ Antler của Singapore đã cam kết hỗ trợ Buyo từ giai đoạn ươm mầm ý tưởng đến khi trưởng thành. "Cần nhiều hơn nữa những quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Thực tế, những kỹ năng chào hàng đầu tư (pitching), lập kế hoạch kinh doanh và phân tích độ phù hợp của sản phẩm… từ Antler đã giúp Buyo có sự chuyển mình và phát triển nhanh chóng" - chị Hồng Hạnh bộc bạch.

Hai năm kể từ khi thành lập doanh nghiệp, Buyo đã gọi được 2 vòng vốn khá thuận lợi từ các quỹ đầu tư quốc tế để nghiên cứu phát triển, xây dựng nhà xưởng sản xuất thí điểm và thương mại hóa sản phẩm. Hiện công ty bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển: đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra sản xuất hàng loạt, thương mại hóa thành công và tìm kiếm được nhiều khách hàng trong nước lẫn khu vực châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ. "Chiến lược của Buyo là đi ra thế giới, khẳng định thương hiệu và vị thế của doanh nghiệp Việt trong ngành nhựa sinh học toàn cầu" - chị Hạnh nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, Buyo tiếp tục gọi vốn và chuẩn bị các bước để đến năm 2024 sẽ khởi công xây nhà máy tại TP HCM, nâng công suất sản xuất lên 100 tấn/tháng. "TP HCM với vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước và là cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, rất thuận lợi cho các startup phát triển cả trong lĩnh vực nghiên cứu lẫn thương mại. Tại TP HCM, startup sẽ tìm được toàn bộ đối tác trong chuỗi cung ứng..." - chị Đỗ Hồng Hạnh tiết lộ.

Nữ CEO kỳ vọng với quyết tâm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, TP HCM sẽ có những chính sách đột phá, đòn bẩy tài chính để khuyến khích doanh nghiệp lĩnh vực này phát triển và mở rộng.

Buyo là một trong 31 công ty khởi nghiệp thành công trong chương trình hỗ trợ startup và doanh nhân Việt Nam của Antler. Ông Erik Jonsson, đối tác điều hành Antler Việt Nam, cho hay có rất nhiều cá nhân tài năng mang trong mình khát khao khởi nghiệp, cũng không thiếu nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng rót vốn vào startup Việt Nam. Số lượng startup rất nhiều trong khi vốn đầu tư mạo hiểm có hạn nên các quỹ đầu tư luôn có sự chọn lọc rất kỹ. "Để tiếp cận thành công các quỹ, trước hết, nhà sáng lập dự án phải thuyết trình được bằng tiếng Anh để nhà đầu tư hiểu về mô hình. Dự án phải tập trung giải quyết những vấn đề lớn về môi trường, xã hội, có giải pháp mang lại sự đột phá. Ngoài ra, đội ngũ nhân sự đủ năng lực, quyết tâm và "nói thật, làm thật" là yêu cầu quan trọng" - ông Erik Jonsson gợi ý.

Theo NLĐ
Cùng chuyên mục