Sử dụng đất nhà máy sau di dời: Cần tầm nhìn rộng
Từ năm 2008, UBND TP Hà Nội đã đặt ra chủ trương di dời nhà máy khỏi nội thành. Đến đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 130/QÐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, TP Hà Nội xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành và đã tổ chức phân nhóm tiêu chí và thứ tự di dời. Ngoài ra, thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất này.
Về phần đất sau khi dời nhà máy, Luật Thủ đô 2012 cũng quy định, quỹ đất sau khi di dời, các cơ sở sản xuất, công nghiệp được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trên phần đất này.
Sau vụ cháy nhà kho Rạng Đông, một lần nữa câu hỏi về vấn đề sử dụng đất lại được quan tâm hơn, việc sử dụng đất vàng sau khi di dời nhà máy như thế nào để vừa đảm bảo được lợi ích doanh nghiệp vẫn là bài toán khó.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thiết kế từ trước đây các khu công nghiệp đều nằm ở ngoại vi thành phố. Đơn giản như khu Mỹ Đình, ngày xưa vốn nằm ngoài ô, vì Hà Nội lúc đó chưa phát triển, thế nhưng bây giờ khi phát triển rồi các nhà máy đó nằm trong trung tâm, bỗng nhiên khu đất đó đều là đất vàng.
Khi di dời các doanh nghiệp sẽ cần bỏ ra một khoản kinh phí lớn cho cơ sở hạ tầng mới, còn khu đất nội đô sẽ được chuyển đổi giá trị vì không còn doanh nghiệp ở đó. Như vậy sẽ có nhiều bài toán đặt ra, cũng có ý kiến cho rằng biến nơi đó thành công viên, không gian công cộng phục vụ cộng đồng, thế nhưng cũng có những dự án họ làm chung cư, về kinh tế sẽ có nhiều lợi nhuận hơn bù đắp vào việc chuyển nhà máy đi.
"Chúng ta cần bình tĩnh xem xét, thứ nhất là về mật độ dân số, thứ hai là kết nối giao thông, hạ tầng. Nếu ở khu vực đấy xây chung cư thì thu được lợi nhuận kinh tế, nhưng cần đáp ứng được chất tải dân số trên đô thị với kết nối hạ tầng có đảm bảo không. Chúng ta cần xem xét và nếu không đảm bảo được thì cần trả lại và có thể xây công viên, vườn hoa, thậm chí là nhà trẻ, trường học" – ông Tùng cho biết.
Thực tế, Hà Nội hiện đang rất thiếu trường học, cây xanh, công viên, thảm xanh, mặt nước, trong khi đó Hà Nội lại đang rất thừa ô nhiễm môi trường, chất tải đô thị dân số quá đông.
Ngoài ra, dân ta rất nhiều phương tiện giao thông cá nhân nhưng thiếu giao thông công cộng. Cho nên lúc này cần các nhà lãnh đạo đặt lên bàn cân để tính toán mà vấn đề môi trường là lợi ích cao nhất, còn kinh tế chỉ là nhất thời, cần nhìn được cái rộng hơn để đảm bảo Hà Nội phát triển bền vững.
Hà Nội đã được mệnh danh là TP vì hòa bình thì Hà Nội cũng cần xây dựng một thành phố vì môi trường, có môi trường sống bền vững. Còn nếu không cân nhắc kỹ và cứ nghĩ khu đất đã di dời thì xây lên các chung cư, chất tải lên đó như một vài khu đất đã làm rồi sẽ làm đô thị hỗn loạn về giao thông, hỗn loạn về hạ tầng cơ sở và làm bất ổn.
"Việc cần làm đó là bình tĩnh xem xét các khía cạnh để đảm bảo lợi ích đa bên, không cực đoan sử dụng đất để xây công viên hay trường học mà cần cân nhắc xem khu vực đó đang thiếu cái gì. Nếu đã có công viên thì không cần xây thêm, còn nơi chưa có không gian công cộng, không có cả trường học nữa thì phải tính toán để cân bằng thật tốt" – KTS Phạm Thanh Tùng nhận định.