Sự thật về đào Sa Pa có giá 15.000 đồng/kg

01/07/2020 14:56 GMT+7
Khoảng nửa tháng nay, trên nhiều tuyến phố cũng như tại các khu chợ dân sinh ở Hà Nội xuất hiện những xe thồ chở đầy ắp đào lòng vàng, đào lông đỏ hay đào mỏ quạ có gắn biển “đào Sa Pa".

Dạo một vòng các chợ lớn tại Hà Nội, đào được bày bán khá nhiều, từ trong chợ đến ngoài đường, các xe hàng rong, ở đâu cũng thấy "đào Sa Pa".

Sự thật về đào Sa Pa có giá 15.000 đồng/kg? - Ảnh 1.

Một người bán hàng rong cho biết, mỗi ngày chị bán tới nửa tạ đào giòn.

Chị Duyên (một người bán hoa quả tại Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, hơn một tuần nay, ngày nào chị cũng bán được khoảng 40kg đào các loại. Giá rẻ, ăn ngon là những ưu điểm để khách chuộng loại quả này. 

Theo chị Duyên, nhiều người bán chuyên loại đào này, mỗi ngày cũng bán hết gần 1 tạ đào.

Thực hư nguồn gốc đào

Vừa mua 5kg đào trơn tại chợ Cầu Giấy (Hà Nội), chị Thu chia sẻ: "Nghe người bán nói đào Sa Pa thì cứ nghe chứ thực ra cũng không biết thật hay không. Đào mùa này rẻ, ăn cũng ngon nên mình mua nhiều về ngâm nước uống".

Mặc dù người bán “quảng bá” đào là đặc sản vùng Tây Bắc nhưng thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, đào Pháp trồng ở Sa Pa đã thu hoạch từ hồi tháng 5 và hầu như kết thúc vụ vào cuối tháng 6 nên sản lượng hiện còn rất ít.

Sự thật về đào Sa Pa có giá 15.000 đồng/kg? - Ảnh 2.

Với giá khá rẻ, loại đào này đặc biệt hút khách. Nhiều người không chỉ mua về ăn mà còn mua về làm trà đào.

Tìm đến chợ Long Biên (chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội), không khó để nhìn thấy các thùng để hoa quả bằng chữ Trung Quốc. Tìm hiểu kĩ hơn, phóng viên gặp được chị T – một lái buôn hoa quả gần 10 năm. 

Chị T tiết lộ: "Gần 100% đào ngoài chợ là từ Trung Quốc. Với mức giá 10.000-15.000 đồng/kg thì làm gì có đào Sa Pa. Đào trơn, đào lòng vàng hay đào mỏ quạ vào mùa này rất đắt hàng. Mỗi ngày chị nhập gần 3 tấn, sau đó bán sỉ. Nói là hàng Trung Quốc thì khách không thích nên phải nói là đào Sa Pa. Chứ "hàng chính hãng" cũng có nhưng số lượng không nhiều, giá lại đắt, rất khó tiêu thụ".

Không thể khẳng định đào Trung Quốc có gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng hay không. Nhưng sự mập mờ, thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ khiến khách hàng mất đi những quyền lợi chính đáng của mình. Việc bị gắn mác còn trực tiếp làm giảm uy tín, chất lượng của nông sản nước nhà. 

Theo TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, cách phân biệt đào Việt Nam với đào Trung Quốc cũng không quá khó. Với giống đào Trung Quốc quả to có màu vàng đỏ, vỏ nhẵn nhụi, ăn ngọt nhưng không giòn; còn Sa Pa (Lào Cai) chỉ có giống đào mỏ quạ vỏ màu xanh, nhiều lông, ăn giòn, vị hơi chua...
Mai Trang
Cùng chuyên mục