Sức lan tỏa từ phong trào thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình

Kim Sơn Thứ bảy, ngày 03/10/2020 12:00 PM (GMT+7)
Phong trào thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình không chỉ tạo động lực, lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế - xã hội mà còn tạo tiền đề cho tỉnh này hoàn thành những mục tiêu lớn khác.
Bình luận 0

Lan tỏa mạnh mẽ

Có thể nói trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã được tỉnh Ninh Bình đổi mới về nội dung và hình thức. Phong trào thi đua đã gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thi đua, khen thưởng.

Ninh Bình phấn đấu đạt nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nghe giới thiệu về thành tựu kinh tế - xã hội của Ninh Bình.

Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều gương người tốt việc tốt, các sáng kiến hay có hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cấp, các ngành và được phổ biến nhân rộng.

Ninh Bình phấn đấu đạt nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Cờ thi đua Chính phủ cho tỉnh Ninh Bình.

Phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua đã mang lại hiệu quả xã hội to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình, giúp Ninh Bình đạt và vượt 13/15 mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), trong đó 12 mục tiêu hoàn thành vượt mức.

Về tăng trưởng, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn khu vực bình quân giai đoạn 2015-2020 ước đạt 2,02%/năm; giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng/ha, tăng 27 triệu đồng so với năm 2015, bình quân tăng 4,5%/năm.

Ninh Bình phấn đấu đạt nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình - chúc mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Bình.

Toàn tỉnh Ninh Bình có 100/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 huyện là Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 52 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Công nghiệp, dịch vụ, du lịch tăng trưởng toàn ngành bình quân đạt 22,03%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.200 triệu USD, tăng bình quân 17,8%/năm.

Về du lịch, năm 2019, Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước.

Ninh Bình phấn đấu đạt nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 4.

Một góc thành phố Ninh Bình.

Văn hóa - xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực. 

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,57%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,07%; dự kiến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lần lượt giảm xuống dưới 2,0% và 3,0%, đạt mục tiêu theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Số trường đạt chuẩn Quốc gia các cấp học là 451/474 trường, chiếm tỷ lệ 95,1%. Ninh Bình liên tục xếp trong top đầu toàn quốc về điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp THPT, từ năm 2017 đến nay xếp thứ 3 toàn quốc.

Đặc biệt, vừa qua, em Nguyễn Thị Thu Hằng (học sinh Trường THPT Kim Sơn A) đã xuất sắc giành vòng Nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia.

Phấn đấu là tỉnh khá của Đồng bằng sông Hồng

Đặc biệt, Ninh Bình được đánh giá là một trong những tỉnh triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh này được cải thiện qua các năm, liên tục nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Bình nằm trong nhóm xếp hạng khá của cả nước, năm 2018 xếp thứ 29. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 xếp thứ 9 toàn quốc.

Có được những kết quả trên, nhiều cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều phong trào thi đua cụ thể, thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, khoa học, công nghệ, bưu chính viễn thông và phát triển doanh nghiệp đã có nhiều phong trào thi đua được phát động rộng rãi: "Thi đua lao động giỏi", "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật", "Năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả", qua đó góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng lan tỏa các phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả như: "Dạy tốt, học tốt", "Lương y như từ mẫu", "Nâng cao y đức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử"...

Ninh Bình phấn đấu đạt nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình - trao bằng khen cho tập thể, cá nhân.

Các phong trào thi đua do bộ, ban, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị phát động tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tiêu biểu phong trào: "Dân vận khéo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Hiến máu tình nguyện", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Thanh niên lập nghiệp" và "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Cựu chiến binh gương mẫu"...

Lĩnh vực an ninh, quốc phòng thu được nhiều kết quả quan trọng thông qua các phong trào "Thi đua Quyết thắng", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"...

Các phong trào thi đua yêu nước được phát động gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", tạo nên sức mạnh tổng hợp, động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác.

Ninh Bình phấn đấu đạt nông thôn mới vào năm 2024 - Ảnh 6.

Em Nguyễn Thị Thu Hằng - học sinh lớp 12B1 Trường THPT Kim Sơn A, Quán quân Olympia 2020.

Đặc biệt, Ninh Bình thực hiện hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động đó là các phong trào thi đua: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"; "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016-2020; "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"...

Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 49,0%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8,5%; dịch vụ 42,5%; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 105 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 19.000 tỷ đồng trở lên; giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 160 triệu đồng; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; có 25% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Thi đua thực hiện hiệu quả 4 phong trào thi đua trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, trong đó, tập trung đề ra những giải pháp cụ thể để phấn đấu tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tư nhân và các loại hình hợp tác xã phát triển hiệu quả, bền vững; từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của toàn dân; nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Phấn đấu xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước; đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Trong 5 năm qua, Ninh Bình đã đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương các hạng cho 132 tập thể, cá nhân; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng 75 Cờ thi đua của Chính phủ, 2 danh hiệu "Chiến sỹ thi đua toàn quốc", 350 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân và Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã khen thưởng cho 15.074 tập thể, cá nhân, trong đó 4.817 cá nhân là người trực tiếp lao động sản xuất, chiếm 55,4%.

Đề nghị Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 88 mẹ; tặng thưởng Huân chương Độc Lập cho 8 gia đình có nhiều liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho 164 cá nhân; tặng và truy tặng Bằng khen cho 43 cá nhân và gia đình đã có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem