Tesla bị cuốn vào cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng tồi tệ ở Trung Quốc
Tesla có thể đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng tồi tệ nhất ở Trung Quốc, một thị trường mà các nhà đầu tư coi là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng trong tương lai của Tesla.
Hôm thứ Hai, một phụ nữ tự nhận là khách hàng của Tesla đã xuất hiện tại một triển lãm ô tô Thượng Hải, tố phanh của xe điện Tesla không hoạt động. Đây là tình trạng chung mà nhiều người phản ánh trên mạng xã hội Trung Quốc trong vài tháng qua. Người phụ nữ sau đó bị giam giữ 5 ngày vì gây rối trật tự công cộng.
Nhưng đáng nói, cách làm của Tesla đã gây ra cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng tồi tệ. Tesla cáo buộc người phụ nữ này liên quan đến một vụ va chạm vào tháng 2 do “vi phạm tốc độ”. Theo Tesla, trong suốt 2 tháng đàm phán về vụ việc, người này không cho phép bên thứ ba kiểm tra tình trạng xe nhưng yêu cầu bồi hoàn toàn bộ trị giá chiếc xe.
Phó chủ tịch Tesla phụ trách khu vực Trung Quốc Tao Lin tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai với tờ tin tức tài chính Trung Quốc Caijing rằng người phụ nữ này đòi hỏi mức bồi thường quá cao và Tesla không có bất kỳ lý do gì để đáp ứng. Trong một bài đăng tiếp theo trên mạng xã hội Weibo, Tesla tiếp tục khẳng định sẽ không thỏa hiệp với “những yêu cầu vô lý”.
Cả truyền thông nhà nước và các cơ quan chính phủ đã nhanh chóng chỉ trích Tesla về “lập trường ngạo mạn” không thể chấp nhận được. Điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và cơ sở khách hàng của công ty tại thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, bài báo đăng trên tờ Thời báo hoàn cầu - cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc giật tit “Ba bài học Tesla phải học” khuyên nhà sản xuất ô tô điện có trụ sở tại Mỹ không nên “kiêu ngạo” và phải học cách “tôn trọng” thị trường tiêu dùng Trung Quốc. “Lập trường kiêu ngạo mà Tesla thể hiện trước công chúng là đáng chê trách và không thể chấp nhận được”.
Tesla sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi trong một tuyên bố vì không giải quyết kịp thời các vấn đề của chủ sở hữu xe. Trong các bài đăng sau đó, Tesla cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nhà chức trách để giải quyết những nghi vấn về chất lượng xe.
Tesla từng được Bắc Kinh quảng bá như minh chứng về nỗ lực mở cửa thị trường, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Trong suốt 2 năm qua, Tesla cũng xây dựng một chuỗi cung ứng chặt chẽ tập trung vào Trung Quốc. Với sự hỗ trợ của chính phủ, Tesla xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện lớn ở Thượng Hải vào năm 2019 và bắt đầu sản xuất dòng xe Model 3 tại đây vào năm ngoái.
Việc để người chơi dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu bước chân vào Trung Quốc là có lợi cho Bắc Kinh. Nhưng việc để nó thống trị thị trường Trung Quốc thì không. Sự thành công của Tesla ở Trung Quốc cũng đồng nghĩa với sự giám sát ngày một chặt chẽ của Bắc Kinh. Nhất là khi ngành công nghiệp xe điện non trẻ của Trung Quốc cũng bắt đầu vươn mình.
Các chính sách tạo điều kiện thuận lợi của Bắc Kinh đã thúc đẩy sự ra đời hàng loạt gã khởi nghiệp ô tô điện trong nước như Nio, Xpeng Motors với kỳ vọng cạnh tranh trực tiếp với Tesla. Dù cho đến nay, doanh số các hãng này vẫn kém xa Tesla.
Các luồng nghị luận tiêu cực về Tesla ở Trung Quốc đã tăng lên trong vài tháng qua. Đầu năm nay, một chiếc Tesla Model 3 được cho là đã bất ngờ phát nổ trong một bãi giữ xe ở Thượng Hải. Một bài báo khác cho biết đã có ít nhất 10 vụ việc xe điện Tesla mất phanh, mất kiểm soát trong năm 2020.
Tháng trước, Trung Quốc cũng tuyên bố hạn chế xe điện Tesla đi vào các khu vực quân sự vì quan ngại an ninh quốc gia. Phản ứng trước động thái này, CEO Elon Musk tuyên bố sẽ đóng cửa doanh nghiệp nếu ô tô điện của họ bị phát hiện được sử dụng cho mục đích do thám.