Tết Nhâm Dần 2022: Người dân dự kiến ở lại Hà Nội, cung ứng hàng Tết thế nào?

Thanh Phong Thứ hai, ngày 15/11/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và tình trạng thu nhập suy giảm, nhiều người dân đang sống và làm việc tại Hà Nội dự tính không về quê trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Bình luận 0

"Khó khăn kép" trước thềm Tết Nhâm Dần 2022

Hiện tại, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết, theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thì từ ngày 15/11 sẽ triển khai bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022. Ngoài ra, các hãng máy bay cũng đã bắt đầu tung ra những chương trình vé máy bay Tết 2022 giá rẻ.

Tuy nhiên, hiện tại, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng mạnh tại nhiều tỉnh thành. Do đó, nhiều người dân đang cư trú trên địa bàn TP. Hà Nội bày tỏ lo ngại về việc, Tết này có được về quê sum vầy với gia đình hay không?

Trao đổi với Dân Việt, chị Trương Thị My, một nhân viên văn phòng quê Tuyên Quang đang sinh sống tại Cổ Nhuế (Hà Nội) cho biết, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa phương, nhiều khả năng Tết này chị sẽ không về.

Tết Nhâm Dần 2022: Người dân dự kiến ở lại Hà Nội, cung ứng hàng hóa thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều người dân dự kiến sẽ ở lại Hà Nội thay về quê ăn Tết như mọi năm. (Ảnh: Thanh Phong)

"Những ngày qua, tôi liên tục nghe thông tin về việc, các huyện của tỉnh Tuyên Quang liên tục xuất hiện ca bệnh mới. Do vậy, tôi cảm thấy rất lo lắng và đã chuẩn bị tinh thần không về quê trong đợt Tết 2022", chị My chia sẻ.

Nguyên nhân chị My đưa ra là do những lo ngại khi phải di chuyển bằng phương tiện công cộng (xe khách, taxi) trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, trong trường hợp bị truy vết cách ly hoặc không thể quay trở lại làm việc đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập.

"Doanh nghiệp đã phải chịu rất nhiều thiệt hại trong suốt 2 năm vừa qua, hiện tại đang trong quá trình phục hồi. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, người lao động phải làm việc gấp 2, 3 lần so với bình thường.

Nếu tôi có vấn đề gì liên quan đến dịch bệnh phải nghỉ làm để cách ly sẽ ảnh hưởng tới chuỗi công việc chung, giảm thu nhập cá nhân. Ngoài ra, nếu để ảnh hưởng tới cả công ty thì hậu quả không thể tưởng tượng được. Tôi đã chuẩn bị tinh thần ở lại và được sự an ủi, thông cảm của gia đình", chị My cho hay.

Cũng trong tình trạng trên, tuy nhiên, nhiều người lao động thu nhập thấp còn gặp "khó khăn kép" bên cạnh dịch bệnh là việc thu nhập suy giảm. Do đó, đường về nhà ăn Tết của những người lao động này trở nên xa hơn bao giờ hết.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Lê Văn Hoàn, một công nhân đang cư trú tại Đông Ngạc (Hà Nội) cho biết, trong đợt dịch vừa qua, các nhà máy hoạt động ngắt quãng, công việc và thu nhập bị suy giảm. Do đó, để tiết kiệm chi phí trong dịp Tết 2022, anh Hoàn đã bàn bạc với gia đình về kế hoạch ở lại Hà Nội.

"Tại quê Phú Thọ đang có dịch nên tôi rất lo lắng. Đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ, nếu đi về quê bằng xe khách, về cỗ bàn tập trung đông người, tôi cũng rất không yên tâm.

Ngoài ra, mỗi đợt Tết, gia đình tôi phải chuẩn bị sắm sửa, tiền tàu xe đi về trung bình mất khoảng 10 đến 15 triệu. Đây là con số rất lớn đối với chúng tôi trong thời điểm hiện tại. Do vậy, chúng tôi đang lên kế hoạch không về quê thời gian cao điểm trước tết và có thể để khoảng mùng 3, mùng 4 về thắp hương xong lên luôn", anh Hoàn cho hay.

Giải bài toán cung ứng hàng hóa

Trao đổi với Dân Việt, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, tình trạng người dân ở lại Hà Nội trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 là có thể xảy ra. Do đó, các ngành chức năng cần sớm có sự chuẩn bị để cung ứng hàng hóa.

"Với tình trạng dịch diễn biến phức tạp, kinh tế giảm sút, rất có thể nhiều người dân sẽ chọn phương án ở lại TP. Hà Nội dịp tết. Các ngành chức năng cần chuẩn bị phương án tăng cường cung ứng hàng hóa. Hiện tại, kế hoạch cung ứng hàng hóa cho 7 triệu dân có thể phải tăng lên 8 triệu hoặc hơn. Ngoài ra, cần phải xác định rõ phân khúc khách hàng, người dân ở lại phần nhiều là lao động có kinh tế khó khăn", Chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá.

Tết Nhâm Dần 2022: Người dân dự kiến ở lại Hà Nội, cung ứng hàng hóa thế nào? - Ảnh 2.

Công tác cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022 có thể phải thay đổi nhiều so với các năm trước. (Ảnh: Thanh Phong)

Cùng với đó, ông Phú cũng dự báo, việc mua sắm Tết năm nay có khả năng sớm hơn những năm trước. Mặt khác, mấy tháng qua, chi phí đầu vào của sản xuất và lưu thông tăng lên bởi sự tăng giá của xăng dầu, gas,... do đó, giá các mặt hàng thiết yếu đã bị đẩy lên một mặt bằng mới.

"Nếu thị trường không ổn định được giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, ... trong dịp Tết, đây thực sự là 1 khó khăn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình nghèo.

Về hệ thống phân phối phục vụ Tết cũng có những vấn đề phải lưu tâm. Kinh nghiệm khi dịch bùng phát lớn nhất là ở TP. HCM và một số thành phố phía Nam, nhiều chợ, siêu thị, kể cả chợ đầu mối cũng tạm đóng cửa. Khi đó sức ép phục vụ dồn về hầu hết các siêu thị còn đang hoạt động từ đó dẫn tới quá tải gây ra những căng thẳng về mua sắm và làm tăng đột biến giá cả 1 số mặt hàng thiết yêu trên thị trường lúc đó", Chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa Tết, trao đổi với Dân Việt, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19 và có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác. Cùng với đó, việc cung ứng phân phối hàng hóa sẽ dựa trên đặc thù thị trường hiện tại.

"Dự kiến sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. Hơn nữa, sau đợt dịch vừa qua, phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi từ trực tiếp theo phương thức truyền thống sang trực tuyến nhằm tránh đến những nơi đông người, giảm nguy cơ dịch bệnh.

Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa và phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp", ông Đông thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem