Thái Lan nỗ lực lấy lại vị trí nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới

19/06/2021 18:23 GMT+7
Sản lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan đang có nguy cơ tiếp tục giảm trong năm nay do 3 nguyên nhân: hạn hán, đồng baht mạnh và chi phí vận chuyển tăng lên.

Thái Lan từng là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng tờ Nikkei Asian Review nhận định nước này đang sa lầy vào 3 thách thức lớn có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu gạo trong năm nay. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực lấy lại vị thế nhà xuất khẩu gạo hàng đầu hành tinh bằng cách giảm chi phí xuất khẩu và cải thiện giống lúa.

Tại cuộc họp nội các vào tháng 4, chính phủ Thái Lan tiếp tục đặt trọng tâm vào kế hoạch giảm phụ phí xuất khẩu gạo sang các quốc gia EU và Anh, từ mức 2.500 baht (80,51 USD) / tấn xuống 1.200 đến 1.500 baht / tấn.

Bangkok đã quyết tâm thúc đẩy sản lượng xuất khẩu gạo tăng trở lại sau khi kim ngạch xuất khẩu gạo trong năm 2020 giảm mạnh 25% so với năm 2019 xuống còn 5,7 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ những năm 1997, khi xã hội Thái Lan rơi vào tình trạng hỗn loạn do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Với mức giảm mạnh như vậy, Thái Lan rơi xuống vị trí nước xuất khẩu gạo thứ ba thế giới trong năm 2020, để Việt Nam vượt mặt với kim ngạch xuất khẩu 6,16 triệu tấn.

Thái Lan nỗ lực lấy lại vị trí nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới - Ảnh 1.

Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo thứ ba thế giới, xếp sau Ấn Độ và Việt Nam (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Khả năng cạnh tranh giá suy yếu là một trong những nguyên nhân đóng góp vào việc Thái Lan bị mất ngôi nhà xuất khẩu gạo hàng đầu hành tinh. Gạo xuất khẩu của Thái Lan có giá giá 542 USD / tấn trong tháng 2, cao hơn gạo của Ấn Độ và Việt Nam, với giá lần lượt là 393 USD và 520 USD / tấn.

Một nguyên nhân khác khiến sản lượng gạo của Thái Lan giảm là do tình trạng hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng trồng lúa nước trong hai năm qua, 2019 và 2020. Ngoài ra, việc đồng baht tăng giá và chi phí vận chuyển đội lên khi giá cước container tăng mạnh cũng giáng đòn mạnh mẽ vào kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan.

Đồng baht hiện vẫn giữ giá trị cao như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhưng vô hình chung, đồng baht mạnh đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh của gạo và nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Thái Lan. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt container toàn cầu cũng đẩy chi phí vận tải cho hàng xuất khẩu.

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới. Ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) nhận định với truyền thông địa phương rằng dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ tiếp tục giảm xuống từ 4,5 đến 5 triệu tấn.

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan đã bắt đầu giảm kể từ năm 2011, khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra đưa ra chương trình thế chấp tín dụng cho nông dân bằng gạo. Chương trình bảo hộ mạnh mẽ trong nước bằng việc mua gạo với giá cao hơn giá thị trường kéo dài đến tận khi chính quyền ông Yingluck bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Việc được chính phủ bảo hộ mạnh mẽ đã khiến chất lượng gạo Thái Lan giảm xuống. Trong khi các nước láng giềng đối thủ chú trọng sản xuất các dòng gạo chất lượng cao, Thái Lan lại tụt hậu trong cuộc cạnh tranh cải tiến giống, dẫn đến mất dần khả năng cạnh tranh và rơi khỏi vị trí nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2012.

Chính phủ Thái Lan hiện tại đang tăng tốc thúc đẩy ngành xuất khẩu gạo của quốc gia này trở lại ngôi vị thống trị. Để khuyến khích phát triển của các giống lúa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp & Hợp tác xã Thái Lan đang phối hợp cùng TREA lên kế hoạch tổ chức một cuộc thi về giống lúa mới để xuất khẩu.

Bộ Thương mại Thái Lan cũng đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu gạo thêm 5% trong năm 2021, vượt mốc 6 triệu tấn để mở đường cho việc Thái Lan lấy lại vị trí nhà xuất khẩu gạo hàng đầu hành tinh. Tuy nhiên, tham vọng này chắc chắn sẽ đối diện với nhiều thách thức khi cạnh tranh trên thị trường gạo toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt.


NTTD
Cùng chuyên mục