Thăm dò khả năng tăng lãi suất điều hành, dự báo có thể tăng tới 1%
Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi nâng lãi suất liên tục, sau 4 lần nâng thì đến nay mức lãi suất đã tăng lên đến 2,25-2,5%/năm, tổng mức tăng là 2,25 điểm %.
Ngân hàng châu Âu, ngân hàng có tính chất chi phối nền kinh tế lớn, cũng tăng rất cao lên 0,5%, chấm dứt 11 năm vừa qua duy trì lãi suất âm.
Nhiều quốc gia khác cũng đang tăng lãi suất để đối phó với lạm phát leo thang tại các quốc gia này.
Lãi suất điều hành sớm tăng, có thể lên tới 1 điểm %
Tại Việt Nam, từ năm 2021, kể cả năm 2022 này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì ổn định lãi suất điều hành, không thay đổi.
Tuy nhiên, tại báo cáo triển vọng thị trường tháng 9, Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng rằng lãi suất điều hành có thể tăng dần trong khoảng 0,5 - 0,75 điểm % từ đây cho tới cuối năm 2022.
Theo các nhà phân tích tại ACBS, NHNN sẽ khó duy lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới vì Fed có thể sẽ có thêm ba đợt tăng lãi suất nữa từ giờ cho tới cuối năm, gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD và NHNN sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỷ giá VND/USD.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích khách hàng doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán Pinetree nhận định, làn sóng tăng lãi suất trên thế giới vẫn đang tiếp tục, như Mỹ dự tính tăng dự tính tăng lãi suất lên 3,6% và các nước khác, chỉ ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng lãi suất.
Động thái này, sẽ tác động gián tiếp lên tỷ giá, có nghĩa là tác động trực tiếp vào lạm phát vì nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, nhập khẩu nhiều xăng dầu, hóa chất thậm chí cả thức ăn chăn nuôi. Do đó, áp lực lạm phát trong thời gian tới là rất lớn.
Trong bối cảnh đó, việc bán USD cũng có giới hạn bởi. Dẫn số liệu từ IMF, ông Thành cho biết, duy trì dự trữ ngoại hối từ 12-14 tuần nhập khẩu là một ngưỡng được tính là đủ.
Theo ước tính, NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần.
Trong khi đó, kế hoạch nâng xếp hạng tín dụng nhà nước của Việt Nam lại muốn tăng lượng dự trữ ngoại hối lên duy trì khoảng 16 tuần nhập khẩu. Vì thế phương án bán ngoại hối không nên được duy trì trong lâu dài. Thay vào đó, tăng lãi suất lại là phương án tốt, đặc biệt khi NHNN đã cố gắng duy trì điều kiện tỷ giá ổn định trong một thời gian để các doanh nghiệp có điều kiện chuẩn bị.
Theo dự báo của ông Thành, lãi suất cơ bản nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng, với mức tăng dự báo khoảng 1 điểm % trong thời gian tới.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho rằng, NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất 0,5 điểm % để duy trì tăng trưởng vừa phải.
Với mức tăng dự báo khoảng 0,5 điểm % sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6%/năm.
Thăm dò khả năng tăng lãi suất điều hành
Thời gian qua mặc dù NHNN không nâng lãi suất điều hành song cơ quan này liên tiếp và mở rộng quy mô bơm tiền qua thị trường mở (OMO). Qua đó, lãi suất nghiệp vụ này bị kéo vọt lên tới 5%/năm và hiện đang duy trì quanh mức 4,5%/năm. Con số này cao hơn nhiều so với mức lãi suất cố định trước đó (mức 2,5%/năm).
Theo ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup, đây cũng là một trong những cách để thăm dò thị trường về khả năng tăng lãi suất điều hành của NHNN.
Còn theo đánh giá của tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, với nền kinh tế tăng trưởng tốt trong bối cảnh VND chịu áp lực mất giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt lên cao hơn, NHNN bắt đầu có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất. Lãi suất trên thị trưởng mở OMO – một loại lãi suất điều hành của NHNN tăng vọt trong thời gian qua cũng có thể xem như một biểu hiện đón đầu.
Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong tháng 7 và 8 vừa qua, chỉ số lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức 2,58%. Song, các yếu tố về tiền tệ cũng như một số nguyên nhân khác vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ. Chính vì thế, việc điều hành lãi suất của NHNN lúc này được tính toán một cách chặt chẽ, thận trọng.