Tham vọng 110.000 tỷ doanh thu, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài làm gì để về đích?

20/05/2020 11:06 GMT+7
Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với tham vọng 110.000 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 3.500 tỷ lợi nhuận sau thuế. So với năm 2019, chỉ tiêu doanh thu vẫn tăng trưởng 7,7% bất chấp tác động của Covid-19.

HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2020 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế sụt giảm 10% so với kết quả năm 2019.

Tham vọng thu về 305 tỷ đồng mỗi ngày

Theo đó, doanh thu thuần mục tiêu của Thế Giới Di Độngcho năm 2020 là 110.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.450 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài thu về khoảng 305 tỷ đồng doanh thu và làm ra hơn 9 tỷ đồng tiền lãi sau thuế.

Đáng chú ý, trong kế hoạch kinh doanh 2020 của Thế Giới Di Động, điểm tích cực là chỉ tiêu doanh thu vẫn được dự kiến tăng trưởng 7,7% so với năm trước. Nếu so với kế hoạch đưa ra hồi đầu năm, doanh thu và lợi nhuận mục tiêu lần này đã giảm lần lượt là 10% và 28,6%.

Tham vọng 110.000 tỷ doanh thu, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài làm gì để về đích? - Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Thế giới Di động (MWG)

Kế hoạch này được đặt ra với sự thận trong từ Ban lãnh đạo của hãng bán lẻ điện thoại, điện máy số một Việt Nam, đặt giữa bối cảnh sức tiêu dùng của người dân rất có thể sẽ giảm vì Covid-19 trong nửa cuối năm 2020. Trước đó, Thế Giới Di Động công bố kết quả kinh doanh quý I/2020 khả quan với doanh thu tăng trưởng 17% và lợi nhuận ròng tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, trong báo cáo cập nhật quý I/2020 gửi đến nhà đầu tư, tập đoàn này cũng thừa nhận rằng, kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm sẽ không đại diện cho thời gian còn lại của 2020, do các chuỗi bán lẻ của MWG vẫn chưa bị tác động lớn bởi dịch bệnh và việc giãn cách xã hội trong quý đầu tiên của năm.

Về động lực tăng trưởng cho năm 2020, Chủ tịch Thế giới Di động từng cho biết, kênh bán hàng online của Bách Hóa Xanh đang phát triển tốt và không chạy theo mô hình "đốt tiền". Các sản phẩm trên website của Bách Hóa Xanh có lợi nhuận gộp tương tự tại cửa hàng với giá bán tương đương. Công ty dự định sẽ mở thêm nhiều trung tâm phân phối phục vụ kênh bán hàng online tại TP.HCM để rút ngắn quãng đường giao hàng, qua đó giảm chi phí. Như vậy, chuỗi Bách Hóa Xanh có lẽ sẽ là động lực tăng trưởng cho Thế giới Di động. Theo dự kiến, Bách Hóa Xanh sẽ đóng góp 20% trong tổng doanh thu của toàn tập đoàn trong năm 2020.

Lời giải cho kế hoạch kinh doanh của Thế giới Di động năm 2020

Đề cập tới tác động của Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp năm 2020 này, trong talkshow "Giữa dòng sóng dữ" vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ, những ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của tập đoàn sẽ có độ trễ thay vì nhìn thấy được ngay trong những kết quả ngắn hạn.

Trong giai đoạn Covid-19, Thế giới Di động đã phải đóng cửa 600 cửa hàng trên tổng số 2.000 cửa hàng điện thoại và điện máy trong tháng 4. Theo kết quả kinh doanh tháng 4 của MWG, doanh thu toàn hệ thống đạt khoảng 7.300 tỷ, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, ban điều hành sẽ nỗ lực bảo vệ doanh thu nghìn tỷ và bảo vệ tối thiểu 80% trạng thái lợi nhuận của năm ngoái. Khả năng thua lỗ của Thế giới Di động trong năm nay theo ông Nguyễn Đức Tài là viễn cảnh không thể xảy ra.

"Công ty sẽ không bị lỗ, không bị sụt giảm đáng kể về kết quả kinh doanh. Trong bối cảnh các công ty khác đang đứng hình, đang mệt mỏi vì dịch bệnh thì chúng tôi vẫn sẽ có lợi nhuận, vẫn ở con số nhiều nghìn tỷ đồng", ông Tài nhấn mạnh.

Tham vọng 110.000 tỷ doanh thu, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài làm gì để về đích? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG

Để làm được điều đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, ngay trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Thế giới Di động đã nhanh chóng triển khai 2 quyết sách lớn gồm: Bảo vệ lợi nhuận và bảo vệ lực lượng.

Để bảo vệ lợi nhuận, ban lãnh đạo tập đoàn này tập trung vào các biện pháp kiểm soát chi phí như thương lượng lại chi phí mặt bằng với chủ nhà, cắt giảm thu nhập, đồng thời cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online với các chính sách tốt hơn.

Để bảo vệ lực lượng, Thế giới di động không sa thải nhân viên, không mất bất kỳ người nào do dịch Covid-19 gây ra. Lãnh đạo Thế Giới Di Động khẳng định, giữ lại toàn bộ lực lượng vì biết rằng dịch bệnh sẽ có thời điểm kết thúc, không kéo dài.

Nhờ những động thái quyết liệt từ cắt giảm chi phí, bảo toàn lực lượng, ông Tài chia sẻ, lợi nhuận tháng 4 của tập đoàn này mặc dù có sụt giảm nhưng ở mức khá ổn. Các hoạt động tháng 5 trở lại bình thường với doanh thu dự kiến 9.000-10.000 tỷ đồng.

Để "về đích" sau đại dịch, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng doanh nghiệp nên tìm kiếm mọi cơ hội để phát triển, không nên có chỗ cho sự lãng phí và kém hiệu quả thì mới có thể vượt qua những bất lợi hiện nay. Trong giai đoạn khó khăn mới bộc lộ những cách thức kinh doanh mà bình thường không thể làm.

Thế giới Di động đang có ý định đầu tư vào doanh nghiệp trong ngành phụ trợ, cụ thể là trong lĩnh vực kho bãi hoặc vận tải. Động thái này, ông Tài cho biết không mang hàm ý thâu tóm, mà mang tính "hà hơi tiếp sức" cho doanh nghiệp qua cơn bĩ cực, với tỷ lệ cổ phần mua lại ở mức 20% - 30%.

"Đồng tiền vào lúc này mới là đồng tiền quan trọng để họ sống sót. Còn Thế giới Di động có thêm xương sống để tải hàng đi chục ngàn shop trong tương lai của tập đoàn. Những thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp phụ trợ làm cho tập đoàn mạnh lên", ông Tài nói thêm.

Chủ tịch Thế Giới Di Động cũng nhấn mạnh,  MWG không thâu tóm đối thủ cạnh tranh mặc dù nếu M&A vào thời điểm này sẽ mua được doanh nghiệp giá rẻ.

"Nội bộ chúng tôi cũng thảo luận rất nhiều. Cũng có ý kiến nói lúc này có thể vung tiền ra mua, nhà đầu tư sau lưng nhiều và họ sẵn sàng rót tiền cho chúng tôi mua. Mua xong hiệu quả sẽ thấy liền. Nhưng cuối cùng, chúng tôi quyết định không làm hoạt động M&A đó". Bởi ban lãnh đạo Thế giới Di động nhìn nhận việc lợi dụng người ta khó khăn mà M&A đối thủ cạnh tranh thì "thất đức".

Nhật Minh
Cùng chuyên mục