Thành viên thứ 3 trong “tứ đại ngân hàng” báo lãi kỷ lục gần 10.800 tỷ

09/01/2020 13:36 GMT+7
“Ông lớn” ngân hàng có mức vốn hóa lớn thứ 3 trên thị trường vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với con số kỷ lục gần 10.800 tỷ lợi nhuận trước thuế. Như vậy tới thời điểm hiện tại trong nhóm “Big Four” thì chỉ còn duy nhất Agribank chưa công bố.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) được tổ chức ngày 8/1, ban lãnh đạo ngân hàng đã chia sẻ thông tin cụ thể về kết quả kinh doanh năm 2019.

Cụ thể, năm 2019 lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 10.768 tỷ đồng, ROA đạt 0,61%, ROE đạt 15,2%...

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản BIDV đạt 1.458.740 tỷ đồng, tăng trưởng 13,7% so với năm 2018, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có qui mô tài sản lớn nhất Việt Nam.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư năm 2019 đạt 1.299.997 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.098.912 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2018, chiếm 13,4% thị phần tín dụng toàn ngành.

Riêng dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5%, qui mô đến 31/12/2019 đạt 374.526 tỷ, chiếm 34,1% tổng dư nợ.

Tổng dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chiếm tỷ trọng trên 60% tổng dư nợ.

Tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt 1.349.279 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.167.995 tỷ đồng, tăng 12,7%, thị phần tiền gửi khách hàng chiếm 11,5% toàn ngành.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03%. BIDV là ngân hàng có mức vốn hóa lớn thứ 3 trên thị trường, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của BIDV sau khi có sự tham gia cổ đông chiến lược KEB Hana Bank Hàn Quốc.

Các công ty, liên doanh, liên kết hoạt động ổn định, đóng góp 589 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong hiệu quả chung của BIDV.

BIDV cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước và đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông. Năm 2019, BIDV nộp Ngân sách Nhà nước 8.550 tỷ đồng, BIDV cũng đã thực hiện chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng giá trị gần 4.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.

Thành viên thứ 3 trong “tứ đại ngân hàng” báo lãi kỷ lục gần 10.800 tỷ  - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị của BIDV ngày 8/1

Trước đó 1 ngày, tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Vietinbank, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ bất ngờ công bố lợi nhuận riêng lẻ của nhà băng này đạt 11.500 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra và tăng 83% so với năm 2018.

Con số lợi nhuận này gây bất ngờ bởi trong năm vừa qua Vietinbank luôn trong trình trạng "xin tăng vốn" và không rộng cửa cho vay như các ngân hàng khác. Trong năm 2020, Vietinbank đặt mục tiêu tăng trưởng 10% lợi nhuận trước thuế so với năm 2019, tương ứng khoảng 12.600 tỷ đồng.

Thành viên thứ 3 trong “tứ đại ngân hàng” báo lãi kỷ lục gần 10.800 tỷ  - Ảnh 3.

Trong khi đó, Vietcombank vẫn tiếp tục là quán quân lợi nhuận trong năm 2019. Theo tiết lộ mới đây của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank đạt 23.130 tỷ đồng và trở thành một trong 2 doanh nghiệp niêm yết có mức lợi nhuận lớn nhất trên thị trường.

Mặc dù đến thời điểm này, các nhà băng chưa công bố hết lợi nhuận năm 2019, song nhiều khả năng với mức lợi nhuận đạt được như trên của Vietcombank sẽ bằng lợi nhuận của 2 ngân hàng cổ phần lớn cộng lại. Hiện tại, Techcombank và VPBank là 2 ngân hàng cổ phần lớn có mục tiêu lợi nhuận 2019 lần lượt là 11.750 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng.

Trước đó, theo kế hoạch dự kiến ban đầu đặt ra cho năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu đạt 20.500 tỷ đồng trước thuế, nhưng sau đó tại đại hội cổ đông thường niên 2019 diễn ra hồi tháng 4/2019, nhà băng này đã điều chỉnh xuống 20.000 tỷ đồng.

Cán mốc tỷ USD lợi nhuận năm 2019, Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 15% so với năm 2019. Đến 2025, lợi nhuận Vietcombank dự kiến đạt 2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ đóng góp vào tổng lợi nhuận dự kiến 1 tỷ USD.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục