Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ thanh long, nông sản sang Trung Quốc, cần làm ngay điều này

10/01/2022 15:02 GMT+7
Để tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ thanh long cũng như các mặt hàng nông, thủy sản khác sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương vừa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh vùng trồng phối hợp triển khai một số nội dung.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát ngay, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.

Hướng dẫn UBND các tỉnh rà soát tình hình sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn.

Chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi hiện đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,… để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương, Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với quả thanh long nói riêng và các mặt hàng trái cây khác đang vào vụ thu hoạch nói chung.

Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tiêu thụ thanh long, nông sản sang Trung Quốc, cần làm ngay điều này - Ảnh 1.

Sơ chế thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: CTV

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh vùng trồng thông tin tới các thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn về việc phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long; đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng lên biên giới để tránh phát sinh thêm thiệt hại.

Hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều tiết tiến độ thu hoạch phù hợp cho tới khi hoạt động thông quan tại biên giới trở lại bình thường.

Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ/ngành có liên quan xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh; tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ thanh long trong chuỗi cung ứng; chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hướng dẫn các nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp thực hiện quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất, đóng gói và vận chuyển nông sản.

Chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp có kho lạnh trên địa bàn cho thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu gửi tạm trữ thanh long chờ tiêu thụ; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp để tăng thu mua thanh long cho nhà vườn.

Ước tính, trong quý 1/2022, vựa thanh long của Việt Nam gồm 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An có đến 300.000 tấn thanh long đến kỳ thu hoạch, trong khi tình hình xuất khẩu qua Trung Quốc vẫn khó khăn do dịch bệnh. Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước, phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc. 

Trước đó, sáng ngày 10/1/2022, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan tại các cửa khẩu/lối mở biên giới tại thành phố Đông Hưng (phía Việt Nam là thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, bao gồm cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2 và cầu phao Km 3+4). 

Đây là những cặp cửa khẩu/lối mở có ý nghĩa rất quan trọng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cả 2 bên. Phía Quảng Tây cho biết trước mắt sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, đặc biệt là nông sản và hàng đông lạnh.

Với phương châm "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", Bộ Công Thương một lần nữa khuyến nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu. Các địa phương biên giới cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc; kiên quyết loại bỏ những lô hàng có biểu hiện vi phạm quy tắc phòng chống dịch để không làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các lô hàng đó.

Do dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và trong khu vực, dự kiến quy trình thông quan tại tất cả các cửa khẩu sẽ còn tiếp tục được siết chặt. Tiến độ thông quan, vì vậy, sẽ không thể trở lại bình thường trong thời gian ngắn. UBND các địa phương vùng trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu, vì vậy, vẫn cần chủ động theo dõi sát tình hình để có biện pháp điều tiết sản xuất, thu hoạch, đặc biệt là điều tiết lượng hàng đưa lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh để phát sinh tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu gây thiệt hại cho tất cả các bên.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục