Thất nghiệp lên tới 70 triệu người, Trung Quốc đối diện nguy cơ khủng hoảng

25/05/2020 16:56 GMT+7
Tờ South China Morning Post mới đây chỉ ra khoảng 290 triệu người lao động Trung Quốc nhập cư đã không được ghi nhận trong số liệu thống kê thất nghiệp chính thức của nước này.
Thất nghiệp lên tới 70 triệu người, Trung Quốc đối diện nguy cơ khủng hoảng - Ảnh 1.

Trung Quốc đối diện nguy cơ khủng hoảng khi đại dịch Covid-19 khiến làn sóng thất nghiệp lên cao

Trung Quốc hồi tháng 4 báo cáo tỷ lệ thất nghiệp 6%, thấp hơn nhiều con số 14,7% tại Mỹ. Nhưng các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Zhongtai (Sơn Đông, Trung Quốc) chỉ ra rằng con số thất nghiệp thực tế tại Trung Quốc có thể lên tới hơn 20,5%, tương đương khoảng 70 triệu người do thống kê thất nghiệp chính thức chưa bao gồm hàng trăm triệu lao động nhập cư và lao động nông thôn.

Trong số hàng chục triệu người mất việc, chỉ có khoảng 2,3 triệu người Trung Quốc nhận được trợ cấp thất nghiệp tính đến cuối tháng 3/2020. Tình hình bi đát trên thị trường lao động đang có nguy cơ gây nên cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng cho Bắc Kinh, khi đe dọa trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của Chính phủ.

Tại Đại hội Nhân dân Quốc gia Trung Quốc ngày họp đầu tiên 22/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng GDP quốc gia năm 2020 như một sự ngầm thừa nhận chính phủ Trung Quốc đã thất bại trong kế hoạch tăng gấp đôi GDP quốc gia giai đoạn 2010-2020. Ổn định thị trường việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp được nhắc đến như ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Chuyên gia kinh tế Li Tao, nhà sáng lập Công ty phát triển công tác xã hội Bắc Kinh cho hay dịch Covid-19 đã tấn công thị trường việc làm Trung Quốc mạnh mẽ hơn nhiều so với hồi dịch SARS (2002-2003) bùng phát và cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. “SARS không phải một đại dịch toàn cầu, và cuộc khủng hoảng tài chính tuy đã tấn công hầu hết các nhà máy xuất khẩu nhưng chỉ có tác động rất hạn chế với ngành dịch vụ. Còn đại dịch Covid-19 thì tấn công và làm suy yếu nghiêm trọng nhu cầu toàn cầu cùng tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ”.

Hồi dịch SARS bùng phát, nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng phục hồi với tốc độ cao gần như bùng nổ kể từ mùa hè năm 2003. Còn cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu khiến 20 triệu lao động nhập cư Trung Quốc mất việc nhưng cũng nhanh chóng ổn định trở lại sau đó không lâu. So sánh với đại dịch Covid-19 lần này, cú sốc với thị trường lao động sâu sắc hơn cả. Bên cạnh hàng chục triệu lao động Trung Quốc mất việc, số giữ được việc làm hoặc đã trở lại với công việc sau dịch bệnh cũng bị giảm lương, giảm thu nhập mạnh mẽ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu tiêu dùng - một nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia. 

Vương Quang, một nhân viên tại nhà máy sản xuất thiết bị hợp đồng ở Chu Hải cho hay mức lương tháng bình quân ông nhận được đã bị giảm từ hơn 4.000 NDT xuống dưới 3.000 NDT/ tháng dù đã có kinh nghiệm 10 năm làm việc tại công ty. Lượng đơn đặt hàng giảm mạnh khiến nhà máy buộc phải cắt giảm giờ làm với người lao động. Mức lương bình quân tối thiểu của lao động nhập cư tại Trung Quốc là khoảng 2.000 NDT, nhưng người lao động thường dựa vào thu nhập làm thêm giờ để tăng thu nhập thực tế lên hơn 4.000 NDT nhằm trang trải cuộc sống. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, mức thu nhập 4.000 NDT với công nhân nhập cư gần như là …. “không tưởng”.

Việc thu nhập giảm mạnh hoặc không có thu nhập có thể dẫn đến làn sóng mất khả năng thanh toán của hộ gia đình, vỡ nợ doanh nghiệp... gây rủi ro lớn cho hệ thống tài chính quốc gia, nguy cơ khủng hoảng nợ. Trước đó, các báo cáo cho thấy nợ quốc gia Trung Quốc trong quý I/2020 đã lên mức 317% GDP.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục