Ấn Độ khủng hoảng kép: 130.000 ca nhiễm Covid-19, 120 triệu người thất nghiệp
Làn sóng dịch Covid-19 tấn công quốc gia đông dân nhất thế giới
Tính đến hết ngày 23/5, Ấn Độ xác nhận 131.423 ca nhiễm Covid-19 và 3.868 ca tử vong do dịch bệnh. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hiện đang đối mặt với áp lực giám sát, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ tại 30 thành phố dân cư đông đúc, nơi tập trung 80% dân số Ấn Độ bao gồm cả thủ đô Delhi và các bang miền Tây Maharashtra và Gujarat.
Thủ tướng Modi đã ra lệnh phong tỏa quốc gia từ tháng 3. Kể từ đó đến nay, các lệnh phong tỏa đã được chính phủ gia hạn tới 3 lần. Lệnh phong tỏa mới nhất có hiệu lực đến hết ngày 31/5. Tại một số địa phương nơi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, chính quyền địa phương đã cho phép nới lỏng một phần các biện pháp kiểm dịch, bao gồm một số dịch vụ giao thông công cộng. Nhưng nhìn chung, nền kinh tế Ấn Độ vẫn đang trì trệ, nhiều khu vực kinh tế gần như đóng băng.
Các quan chức y tế Ấn Độ vẫn giữ nguyên giọng điệu lạc quan về những nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ở đất nước đông dân nhất thế giới này. Lav Agarwal, một quan chức bộ Y tế cho hay: “So với phần còn lại của thế giới với bình quân 62 ca nhiễm/100.000 dân, tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hiện chỉ khoảng 8 ca nhiễm/100.000 dân. Một phép so tương tự về tỷ lệ tử vong, trong khi tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 4,2 người/ 100.000 dân thì ở Ấn Độ chỉ là 0,2 người/ 100.000 dân”.
Trong số 15 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 bao gồm cả Mỹ và Anh, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất nhưng tỷ lệ tử vong cũng xếp vào hàng thấp nhất. Kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được báo cáo tại Ấn Độ hôm 30/1 đến nay, chính phủ của Thủ tướng Modi đã thành lập hơn 10.000 bệnh viện và cơ sở điều trị Covid-19 chuyên dụng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất thiết bị vật tư y tế. Ước tính, nước này sản xuất khoảng 200.000 bộ đồ bảo hộ y tế và khẩu trang N95 mỗi ngày.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ có vẻ lạc quan hơn so với nhiều quốc gia khác như Mỹ, Brazil… Nhưng vẫn có nguy cơ làn sóng dịch bệnh tiếp tục bùng phát và lây lan tới 30% dân số trong 4-5 tháng tiếp theo, theo Ghanshyam Pangtey, giáo sư y khoa tại trường cao đẳng y tế Lady Hardinge. Trong viễn cảnh như vậy, sẽ là thảm họa với Ấn Độ khi ngành y tế quá tải và nguồn lực không đủ để cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị cho hàng triệu người dân.
“Chính phủ không thể phong tỏa đất nước vĩnh viễn. Chúng ta cần một chính sách linh hoạt, cho phép người dân di chuyển và hoạt động kinh tế khôi phục trở lại bất cứ khi nào có thể, đồng thời siết chặt các biện pháp kiểm dịch ở những địa phương bị dịch Covid-19 tấn công mạnh mẽ nhất”, ông Pangtey nói thêm.
Kinh tế Ấn Độ điêu đứng
Trong khi chính phủ vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phong tỏa quốc gia để kiểm soát tốc độ lây lan dịch bệnh, nền kinh tế Ấn Độ đã suy yếu rõ rệt.
Goldman Sachs nhận định Ấn Độ có thể chứng kiến GDP quý II/2020 -45% so với quý đầu tiên của năm và phục hồi trong nửa cuối năm. Nhưng nhìn chung, GDP năm tài chính 2020 (3/2020-3/2021) của nước này có nguy cơ -5% so với năm 2019. “Mức tăng trưởng -5% mà chúng tôi dự báo sẽ là mức suy thoái sâu sắc chưa từng có so với tất cả các cuộc suy thoái mà Ấn Độ từng trải qua”, các chuyên gia Goldman Sachs nhận định.
Tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng cũng làm u ám thêm viễn cảnh kinh tế phục hồi. Người lao động nhập cư chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi các công trường xây dựng, nhà máy, doanh nghiệp… ngừng hoạt động. Hàng chục người phải di chuyển hàng trăm cây số từ thành phố về làng quê bằng cách đi bộ vì các phương tiện giao thông công cộng đã buộc phải ngừng hoạt động. Nhiều người trong số họ không có tiền, không có thức ăn bởi công việc đủ duy trì nguồn sống qua ngày đã không còn.
Theo báo cáo của Trung tâm giám sát kinh tế Ấn Độ có trụ sở tại Mumbai, đã có tới 120 triệu người lao động Ấn Độ mất việc trong tháng 4, đưa tỷ lệ thất nghiệp nhảy vọt lên 23,5%.
Vasu Dhariwal, thợ làm tóc tại một salon cao cấp ở New Delhi cho hay salon tóc đã đóng cửa từ khi phong tỏa quốc gia đến nay và chưa rõ thời gian mở cửa trở lại. “Tôi không kiếm được đồng nào trong tháng 4. Tôi là trụ cột kiếm tiền duy nhất của gia đình. Tôi phải trả khoản vay mua nhà hàng tháng tới 16.000 rupee. Tôi sẽ phải trải qua tình cảnh vô cùng khó khăn nếu nghỉ làm lâu hơn”.
Không chỉ người dân Ấn Độ điêu đứng vì lệnh phong tỏa, các quốc gia như Bhutan, Nepal và Maldives cũng chịu hệ lụy nặng nề vì Ấn Độ là nguồn cung chính các nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men, dầu mỏ đến các nước láng giềng này. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng cung cấp lực lượng lao động di cư lớn đến Trung Đông. Ước tính, 9 triệu công dân Ấn Độ làm việc tại Trung Đông. Nếu tình trạng dịch bệnh bùng phát tiếp tục kéo dài, các quốc gia vùng vịnh có thể sẽ thực hiện các hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt với công dân Ấn Độ.
Trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế vốn đã suy sụp ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, Thủ tướng Modi hôm 12/5 đã tuyên bố gói kích thích kinh tế trị giá 20 nghìn tỷ rupee (265 tỷ USD), tương đương 10% GDP quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, người lao động, nông dân và người có thu nhập từ mức trung bình trở xuống. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, biện pháp hỗ trợ như vậy có thể là không đủ.
“Nếu lệnh phong tỏa quốc gia được gia hạn thêm một lần nữa, sản lượng công nghiệp lao dốc mạnh trong năm nay là điều chắc chắn” - các nhà phân tích từ Capital Economics nhận định.