Thấy gì khi Thaiholdings tăng vốn khủng để “thâu tóm” Tập đoàn của bầu Thuỵ?
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thaiholdings (THD) vừa thông qua quyết định tăng vốn thêm 2.961 tỷ đồng để thực hiện thương vụ mua bán lớn.
Thaiholdings tăng vốn khủng để "thâu tóm" Tập đoàn của bầu Thụy
Theo đó, Thaiholdings vừa thông qua phương án phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua, tổng giá trị tính theo mệnh giá tương đương 2.961 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện quyền là 539:2,961, cổ đông sở hữu quyền mua có thể chuyển nhượng quyền mua thêm cổ phiếu cho người khác (chỉ được chuyển nhượng 1 lần duy nhất).
Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III/2020, giá chào bán là 10.000 đồng/cp.
Động thái này diễn ra chỉ sau chưa đầy 1 tháng Thaiholdings niêm yết trên sàn HNX, cổ phiếu cũng trần liên tiếp 15 phiên tính đến hiện tại. Theo đó, thị giá đã vọt lên mức 80.000 đồng/cp, gấp 5,3 lần giá tham chiếu phiên chào sàn (15.000 đồng/cp tại ngày 19/6).
Theo Ban lãnh đạo Thaiholdings, số tiền thu về dự kiến sẽ dùng 2.950 tỷ đồng để mua 59% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup. Còn lại 11 tỷ đồng sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động.
Công ty CP Tập đoàn Thaigroup có vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng, do chính ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) làm Chủ tịch. Thaigroup trước đó từng là cổ đông lớn nhất của Thaiholdings với sở hữu 74%, tuy nhiên đến cuối năm 2019 đã thoái hết vốn.
Dù đã từ nhiệm vai trò Chủ tịch Thaiholdings nhưng hiện nay ông Nguyễn Đức Thụy vẫn là cổ đông lớn nhất của Thaiholdings với tỷ lệ sở hữu 20%.
Như vậy, sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm gần 60% cổ phần Thaigroup, Thaiholdings sẽ đổi vai, từng "công ty con" sau trở thành "công ty mẹ".
Trước đó, ngày 22/6, Thaiholdings đã thông qua kế hoạch mua cổ phần của Thaigroup với số lượng dự kiến là 165 triệu cổ phần, tương đương 66% vốn điều lệ của Thaigroup.
Giá mua dự kiến không quá 20.000 đồng/cổ phần, tương ứng, tổng giá trị đầu tư dự kiến khoảng 3.300 tỷ đồng. Đơn vị chuyển nhượng là các cổ đông của Thaigroup.
Màn tăng vốn thần tốc của Thaiholdings
Việc tăng vốn lần này của Thaiholdings tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường bởi trong quá khứ của Thaiholdings cũng từng là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trước khi Thaiholdings lên sàn HNX.
Công ty Cổ phần Thaiholdings tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kinh Thành được thành lập và hoạt động từ ngày 24 tháng 03 năm 2011.
Theo đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh chính là vận chuyển hàng hóa bằng ô tô chuyên dụng và một số hoạt động khác như thương mại vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng... với vốn điều lệ đăng ký là 389 tỷ đồng. Thế nhưng, gần 8 năm, vốn điều lệ thực góp của Thaiholdings chỉ là 136,9 tỷ đồng (tương đương 35% vốn đăng ký).
"Tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0105202998 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 24/03/2011, vốn điều lệ đăng ký của Công ty là 389 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, các cổ đông nộp tiền góp vốn từ ngày 01/6/2011 đến ngày 14/02/2017 với tổng số tiền là 136.934 tỷ đồng. Số tiền còn lại chưa góp đủ là 252.066 tỷ đồng được các cổ đông Công ty góp vào tháng 4/2019. Như vậy, việc góp vốn thành lập công ty được thực hiện từ ngày 01/6/2011 đến tháng 4/2019 mới hoàn tất", cáo bạch niêm yết của Thaiholdings đề cập.
Lý giải nguyên nhân, Thaiholdings cho biết, do "nhu cầu thực tế của Công ty và thực tế khả năng thu xếp nguồn lực của các cổ đông". Công ty cũng không thực hiện giảm vốn điều lệ do "mới thành lập còn nhiều vấn đề trong quá trình vận hành, chưa nắm rõ quy định của pháp luật".
Đến tháng 04 năm 2019, do nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, Thaiholdings quyết định góp đủ vốn điều lệ theo số vốn đã đăng ký.
Đồng thời, trong thời gian này, sau khi các cổ đông góp đủ vốn điều lệ là 389 tỷ đồng, Thaiholdings thực hiện tăng vốn điều lệ lên 539 tỷ đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư tài chính và hợp tác kinh doanh.
Điểm khiến nhà đầu tư phải chú ý đến đợt tăng vốn này của Thaiholdings là quá trình thu tiền và sử dụng tiền diễn ra rất chóng vánh.
Ngay sau Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua việc tăng vốn ngày 18/4/2019, đến ngày 25/4/2019, việc tăng vốn đã hoàn tất.
Tiếp đó, từ ngày 24/4 - 9/5/2019, Thaiholdings thanh toán mua 14,2 triệu cổ phần (19,52% cổ phần) của CTCP Tôn Đản Hà Nội (giá 20.000 đồng/cổ phần) - đơn vị sở hữu tòa nhà văn phòng cho thuê Thaiholdings Tower tại số 17 Tông Đản - 210 Trần Quang Khải. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của Thaiholdings. Số tiền chi ra cho thương vụ này trên 284 tỷ đồng.
Chưa hết, tới tháng 5/2019, Thaiholdings tiếp tục chi ra ra 365 tỷ đồng để mua lại 17,2% cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên (Kim Liên Tourism) từ các cổ đông cá nhân với cùng mức giá mua 305.100 đồng/cp. Được biết, Kim Liên Tourism là đơn vị sở hữu khu "đất vàng" 3,5ha có vị trí đắc địa bậc nhất tại Hà Nội.
Cả hai thương vụ này đều có liên quan chặt chẽ đến CTCP Tập đoàn Thaigroup. Cụ thể, với thương vụ mua cổ phần tại CTCP Tôn Đản Hà Nội, bên bán chính là Thaigroup. Còn Kim Liên Tourism vốn là công ty con của Thaigroup với tỷ lệ sở hữu 52,4% đến cuối năm 2019.
Về kết quả kinh doanh năm 2019 – năm tài chính trước khi lên sàn, Thaiholdings ghi nhận doanh thu "tăng vọt" lên mức 760 tỷ đồng doanh thu cả năm, cao gấp 7 lần năm trước, vượt 2,5 lần kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế trên cơ sở đó cũng tăng gấp 6 lần so với năm 2018, đạt mức 47,5 tỷ đồng, hoàn thành 122% chỉ tiêu đề ra.
Không chỉ có sự tăng trưởng đột biến về hoạt động kinh doanh, quy mô tổng tài sản của Thaiholdings cũng đã tăng gấp 4 lần trong năm 2019, đạt mức 850 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Thaiholdings đặt kế hoạch tổng doanh thu 3.500 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt 360 tỷ đồng.
Nhìn vào đây có thể thấy, bản "sơ yếu lý lịch" của Thaiholdings phần nào hấp dẫn các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, việc tăng vốn khủng, doanh thu lợi nhuận tăng đột biến ngay trước khi chuyển thành công ty đại chúng và tiếp tục lên kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm nay của Thaiholdings sẽ không khỏi khiến nhà đầu tư băn khoăn.
Quay trở lại với việc phát hành vốn khủng cho cổ đông hiện hữu để lấy 99% số tiền phát hành để mua lại "người nhà" Thaigroup. "Giá trị công ty được mua Thaigroup bao nhiêu? Định giá có đáng tin không? Nếu thương vụ thành công, Thaigroup đã được niêm yết với giá định giá dưới tên THD. Vậy nếu Thaigroup mang hồ sơ lên niêm yết thì không biết có đáp ứng đủ điều kiện không? Giá niêm yết, nếu được, có cao không?", một chuyên gia đặt vấn đề.
Trong lịch sử phát triển của sàn chứng khoán, để được gắn mác "niêm yết", không hiếm trường hợp các doanh nghiệp sử dụng "chiêu trò" nhằm thoả mãn những quy định của hai sàn HoSE và HNX. Tất nhiên không thể phủ nhận, mỗi cổ phiếu mới lên sàn đều là một cơ hội để các nhà đầu tư có thể cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, "hàng giả tiền thật" luôn là câu chuyện đáng lo ngại.