Thị phần giảm, Vietnam Airlines thoát lỗ nhờ sale and leaseback

22/01/2020 13:11 GMT+7
Cạnh tranh trên thị trường hàng không Việt Nam ngày càng gay gắt hơn. Ông lớn Vietnam Airlines đang chịu cảnh "nhường" thị phần cho đối thủ. Vì vậy, trong quý 4/2019, Vietnam Airlines có thể thua lỗ nếu không nhờ hoạt động sale and leaseback.

Thị phần giảm

Đầu năm 2020, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố thị phần hàng không. Cụ thể, tháng 12/2019, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) dẫn đầu khi nắm 42,2% thị phần tải cung ứng, tăng so với mức 41,2% trong tháng 1/2019. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đứng thứ hai khi chiếm 33,3% thị phần, tăng so với con số xấp xỉ 34,5% hồi đầu năm.

Jestar Pacific và VASCO đều giảm nhẹ về thị phần tải cung ứng, hiện lần lượt 10,6% và 1,9% thị phần khiến tổng thị phần của Vietnam Airlines Group tới hết tháng 12/2019 là 45,8%. Hãng duy nhất tăng trưởng về thị phần trong năm 2019 là tân binh Bamboo Airways với 12,3%.

Bức tranh thị phần này đã phần nào dự báo được tình hình kém lạc quan của Vietnam Airlines trong quý 4/2019. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 mới được công bố của Vietnam Airlines cho thấy lo lắng của nhà đầu tư hoàn toàn có cơ sở.

Thị phần giảm, Vietnam Airlines thoát lỗ nhờ sale and leaseback - Ảnh 1.

Thị phần giảm, Vietnam Airlines thoát lỗ nhờ sale and leaseback

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2019 của Vietnam Airlines đạt 23.308 tỷ đồng, giảm 778 tỷ đồng, tương đương 3,23% so với quý 4/2018. Dù vậy, tính chung cả năm 2019, doanh thu vẫn tăng từ 97.590 tỷ đồng lên 99.054 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu vận tải hàng không quý 4/2019, chỉ tiêu thể hiện thị phần hàng không của Vietnam Airlines cũng sụt giảm. Doanh thu này giảm 885 tỷ đồng, tương đương 4,7% với năm 2018. Chỉ tiêu này có tốc độ giảm mạnh hơn tổng doanh thu.

Trong quý 4/2019, tỷ trọng doanh thu vận tải hàng không trong tổng doanh thu cũng sụt giảm từ 77,8% năm 2018 xuống chỉ còn 76,6% năm 2019.

Thoát lỗ nhờ sale and leaseback

Trong quý 4/2019, Vietnam Airlines không chỉ gặp vấn đề giảm doanh thu mà còn phải đối mặt với tình trạng giá vốn hàng bán tăng. Giá vốn hàng bán tăng 294 tỷ đồng, tương ứng 1,37% so với quý 4/2019, lũy kế cả năm đạt 87.015 tỷ đồng.

Sự lệch pha giữa doanh thu và giá vốn khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4 giảm 1.088 tỷ đồng, tương đương 43,7% so với quý 4/2019, lũy kế cả năm đạt 11.162 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 12.264 tỷ đồng năm 2018.

Trong khi đó, doanh thu tài chính cũng giảm sâu, từ 560 tỷ đồng xuống chỉ còn 224 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng mạnh từ 981 tỷ đồng lên 1.005 tỷ đồng. Điều đó khiến hoạt động kinh doanh gánh khoản thua lỗ 134 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái lãi 241 tỷ đồng.

Rất may, lợi nhuận khác dù giảm sâu nhưng cũng đủ sức "cứu" lợi nhuận của Vietnam Airlines. Lợi nhuận khác giảm từ 644 tỷ đồng xuống 212 tỷ đồng. Trong đó, thu từ hoạt đông bán cho thuê máy bay (sale and leaseback) là yếu tố chính giúp ông lớn hàng không thoát lỗ.

Trong quý 4, sale and leaseback mang về cho Vietnam Airlines khoản thu nhập 207 tỷ đồng. Dù giảm mạnh so với 421 tỷ đồng của quý 4/2018 nhưng 207 tỷ đồng cũng đủ sức giúp Vietnam Airlines thoát lỗ. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý 4/2019 của Vietnam Airlines đạt 3,6 tỷ đồng, giảm 625,9 tỷ đồng, tương đương 99,4% so với quý 4/2018.

Dù lợi nhuận lao dốc trong quý 4 nhưng tính chung cả năm 2019, Vietnam Airlines vẫn lãi 2.517 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2.599 tỷ đồng năm 2018.

Cổ phiếu sụt giảm nhẹ

Trong những ngày đầu năm 2020, sức nóng tập trung vào cổ phiếu ngân hàng với hàng loạt mã tăng ấn tượng như VCB của Vietcombank, BID của BIDV, CTG của VietinBank, VPB của VPBank,… Vì vậy, cổ phiếu hàng không ít được quan tâm hơn.

Cùng với việc bị cổ phiếu ngân hàng "lấn át", việc bị mất thị phần cũng khiến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines kém hấp dẫn hơn. Hơn 10 phiên giao dịch qua, HVN có xu hướng đi xuống là chủ yếu.

Đóng cửa phiên giao dịch 21/1/2020, HVN dừng ở mức 32.750 đồng/CP, giảm 1.000 đồng/CP, tương đương 2,96% so với 31/12/2019. Như vậy, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines giảm 1.418 tỷ đồng xuống 46.449 tỷ đồng.

Với 46.449 tỷ đồng, Vietnam Airlines đứng ở vị trí 24 trong danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với Vietjet. Vietjet đang đứng ở vị trí thứ 12 với gần 77.000 tỷ đồng.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục