Thị trường bất động sản cuối năm: Lo ngại "sốt đất" quay trở lại?

Trần Kháng Thứ năm, ngày 09/12/2021 09:57 AM (GMT+7)
Cuối năm, nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế đã dẫn tới tình trạng phân lô bán nền tràn lan, đẩy giá nhà đất tăng cao… báo hiệu nguy cơ "sốt đất" quay trở lại.
Bình luận 0

Thị trường BĐS"đói" nguồn cung, giá nhà liên tục tăng

Trong năm 2021, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn nhưng bất động sản vẫn nhận được sự quan tâm lớn của thị trường. Tuy nhiên, sau mỗi đợt dịch, mức độ quan tâm đối với bất động sản luôn tăng mạnh, chỉ báo nguy cơ "sốt đất" quay trở lại?

Ngược lại, nguồn cung bất động sản thiếu hụt do nhiều dự án đang "mắc kẹt" bởi pháp lý chưa thể triển khai. Trong đó, thị trường xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan, mà điểm nóng tại các vùng ven Hà Nội, TP.HCM hay các vùng kinh tế… đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản cuối năm: Chuyên gia lo ngại "sốt đất" quay trở lại - Ảnh 1.

Căn hộ tại chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) có vị trí nằm ngoài đường Vành đai 3 nhưng đang có giá bán 29-30 triệu đồng/m2. Ảnh: Trần Kháng

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, do thị trường thiếu nguồn cung dự án, thiếu sản phẩm nhà ở nên đã xuất hiện các tác động tiêu cực.

Một là, chủ đầu tư có sản phẩm nhà ở, nhất là chủ đầu tư dự án lớn có lợi thế, có thể độc chiếm thị trường, làm giá, đẩy giá nhà lên cao để nhằm tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19.

Hai là, do thiếu nguồn cung nên các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền đẩy giá lên thành nhà trung cao cấp. Trong 2 năm 2020-2021 hầu như không còn loại nhà ở giá bình dân dưới 25 triệu đồng/m2 trên thị trường, làm cho giấc mơ tạo lập nhà của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị càng xa vời.

"Hiệp hội rất cấp thiết, cấp bách phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời góp phần xây dựng hoàn thiện môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh", ông Châu nhấn mạnh.

Lo ngại "sốt đất" trở lại

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, khả năng có đợt "sốt đất" là rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân thì lớn, trong khi thị trường lại khan hiếm nguồn cung. Một bộ phận lợi dụng tình trạng này đẩy giá lên cao.

Cũng theo ông Đính, diễn biến thị trường hiện nay là hệ quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường. "Các dự án vướng mắc, toàn án binh bất động, cực kỳ ít dự án mới ra. Trong khi đó nhu cầu đầu tư rất lớn. Các nhà đầu tư cơ tận dụng tình thế này, nhiều sản phẩm bất động sản ra đời không đi theo chủ trương quy hoạch phát triển nào cả", ông Đính lo ngại.

Thị trường bất động sản cuối năm: Chuyên gia lo ngại "sốt đất" quay trở lại - Ảnh 3.

Một khu đất phân lô bán nền ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng

Dẫn chứng về lo ngại trên, ông Đính cho biết, ở một số huyện vùng ven của Hà Nội như: Thạch Thất, Ba Vì... với những hiện tượng về phân lô bán nền diễn ra khá phức tạp. Một nhóm hoặc một cá nhân đứng ra gom sổ (ở khu vực nông thôn, nhiều hộ được phân cho mấy trăm m2 đất ở với mấy nghìn đất vườn), sau đó chia lô. Theo ông, pháp luật không cấm nhưng lại không phù hợp với quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

"Nếu số đất phân lô này trong tình trạng đầu cơ, mua xong để cỏ mọc um tùm thì gây lãng phí nguồn lực. Còn giả sử dân về ở, số dân tăng lên trong khi hạ tầng ở địa phương chỉ có vậy, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Chưa kể, phân lô bán nền như vậy sau còn đẩy giá, thổi giá, gây sốt đất. Gây hệ lụy không tốt cho địa phương", ông nhận định.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, vừa qua có tình trạng dự án san đồi, san ruộng vi phạm pháp luật, xâm phạm tài nguyên quốc gia, gây bất ổn địa phương, giá trị đất đai tăng đột biến, không có lợi cho sự phát triển kinh tế khác.

Về giải pháp xử lý căn cơ, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, không còn cách nào là tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường, tránh để tình trạng cung cầu lệch lạc, mất cân đối kéo dài.

Còn về giải pháp trước mắt để xử lý cơn sốt đất đang "đe dọa" thị trường, ông Đính cho rằng các địa phương sẽ cần sớm vào cuộc, cần thiết nên có những biện pháp mạnh tay làm giảm hoạt động giao dịch, nhất là việc xử lý triệt để các vi phạm.

Đối với nhà, ông Đính đưa ra lời khuyên: "Hãy lưu ý đến các vấn đề như pháp lý, quy hoạch. Bất động sản không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp sự phát triển chung đều có thể dẫn đến rủi ro, bởi địa phương có thể điều tiết chính sách, không hỗ trợ cho việc chia tách sổ. Còn nếu không phù hợp quy định pháp luật thì sẽ bị thu hồi".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem