Thị trường bất động sản khó khăn, phân khúc nào vẫn “sống khỏe”?

Thái Nguyễn Thứ sáu, ngày 14/07/2023 06:00 AM (GMT+7)
Bộ Xây dựng nhận định mặc dù có những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua nhưng xu hướng phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều để tiếp tục phát triển giúp bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả. Trong đó, phân khúc bất động sản công nghiệp và du lịch, khách sạn đang tăng trưởng tốt.
Bình luận 0

Thị trường bất động sản quan trọng trong nền kinh tế quốc dân

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản là một trong những thị trường rất quan trọng của nền kinh tế quốc dân, thu hút các nguồn lực và thúc đẩy các thị trường khác cùng phát triển (thị trường tài chính, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động, khoa học công nghệ…), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, phát triển đô thị, thu hút du lịch… .

Trong những năm qua, đóng góp của hoạt động bất động sản đối với GDP có xu hướng tăng (ngành kinh doanh bất động sản khoảng 3,6%; ngành xây dựng khoảng 10,6% theo số liệu của TCKT đến năm 2022). Giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 - 1,8 triệu tỷ đồng. Tính trung bình đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP).

Thị trường bất động sản khó khăn, phân khúc nào vẫn “sống khỏe”? - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản gặp khó khăn nhưng xu hướng phát triển là tất yếu (Ảnh: TN)

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định mặc dù có những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua nhưng xu hướng phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều để tiếp tục phát triển giúp bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả.

Trong đó, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định, dẫn đến xu hướng đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị, xu hướng di cư từ nông thôn ra đô thị dự báo vẫn tiếp diễn. Tỉ lệ đô thị hóa Việt Nam tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2010-2020, từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% vào năm 2020; tốc độ tăng tỉ lệ đô thị hóa giai đoạn 2010-2020 là 2,75%/năm.

"Điều đó có nghĩa là sau khoảng 25 năm nữa, nếu vẫn giữ tốc độ tăng đô thị hóa như hiện này thì tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Với tốc độ đô thị hóa cao, dân số đô thị ngày càng tăng, các đô thị lớn thu hút lực lượng lao động thúc đẩy nhu cầu nhà ở xã hội, có giá thành phù hợp tiếp tục tăng cao. Sự gia tăng quy mô kèm theo cơ cấu dân số trẻ tăng nhanh ở khu vực đô thị sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhà ở phù hợp với các nhóm gia đình trẻ đô thị trong trung hạn tiếp tục tăng cao", ông Hoàng Hải nhận định.

Thị trường bất động sản công nghiệp và du lịch là "điểm sáng"

Bất chấp những khó khăn của thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023, bất động sản công nghiệp tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng khi có thêm nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận. Sự quan tâm từ các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu đầu tư lớn, đặc biệt xu hướng gia tăng đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như: nhà kho xây sẵn, nhà xưởng xây sẵn, trung tâm dữ liệu...

Trong đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức trên 80%. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất tăng cao.

Thị trường bất động sản khó khăn, phân khúc nào vẫn “sống khỏe”? - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục là "điểm sáng" (Ảnh: TN)

Giai đoạn 2021-2030, tự do thương mại toàn cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Đối với công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,... thì thu nhập và tích lũy có thể đảm bảo khả năng sở hữu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.400.000 căn; trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.240.000 căn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 1.160.000 căn.

Ngoài ra, thị trường du lịch tăng trưởng trở lại giúp cho phân khúc bất động sản cho thuê, khách sạn là loại hình có mức tăng trưởng tốt nhất trong nửa đầu năm 2023. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so với năm trước cùng với các đợt nghỉ lễ dài ngày trong 6 tháng đầu năm đã tác động tích cực tới công suất cho thuê và giá cho thuê khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Công suất thuê và giá cho thuê đối với chung cư cho thuê và mặt bằng trung tâm thương mại cơ bản ổn định.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đang cho thấy hiệu quả. Đây là dư địa tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tạo thêm động lực cho mọi hoạt động phát triển kinh tế.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đưa ra nhiều biện pháp rất cụ thể và quyết liệt để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, Chính phủ cũng trình Quốc hội Dự thảo Luật Đất đai, Dự thảo Luật Nhà ở, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi,… đây là những luật liên quan và tạo động mới cho thị trường bất động sản phát triển.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem