Thị trường bất động sản trầm lắng: Phân khúc shophouse vẫn tăng giá mạnh
Trong giai đoạn thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, phân khúc shophouse vẫn là danh mục tài sản đầu tư được ưa chuộng nhờ mức tăng trưởng vượt bậc. Theo thống kê của CBRE Việt Nam, lợi nhuận đầu tư shophouse dao động từ 25% đến thậm chí hơn 100% so với giá căn hộ tùy vào từng vị trí và thời điểm.
Ghi nhận thị trường bất động sản trên cả nước, phân khúc shophouse đều ghi nhận mức giá tăng từ 10 – 50%. Trong đó, thị trường bất động sản tại các tỉnh lân cận thành phố Hà Nội, giá shophouse (nhà phố thương mại) từ 36 – 184 triệu/m2, tăng 30 – 40%. Đối với các tỉnh lân cận TP.HCM, giá shophouse từ 30 – 143 triệu/m2, tăng 15 – 30%. Còn tại khu vực miền trung, giá shophouse ghi nhận từ 45 – 220 triệu/m2, tăng 10 – 50%. Và thị trường miền Tây, giá shophouse ghi nhận từ 25 – 43 triệu/m2, tăng 5 – 10%.
Đặc biệt, mức tăng trưởng "siêu lợi nhuận" của loại hình shophouse tại các đô thị trung tâm TP.HCM. Khảo sát cho thấy, chuỗi shophouse mặt tiền đường Nguyễn Cơ Thạch (TP.Thủ Đức) đã tăng hơn 400% sau hơn nửa thập kỷ. Nếu năm 2015 ra mắt với giá khoảng 30 - 40 tỷ đồng/căn, thì đến nay, giá chuyển nhượng đã đạt mức khoảng 125 - 165 tỷ đồng/căn.
Trên một số trang mua bán bất động sản cho thấy, mặt bằng giá shophouse thương mại tại Hà Nội và TPHCM thời gian gần đây đang có giá bán chạm ngưỡng 150 - 250 triệu đồng/m2 và không còn nhiều dự án có sản phẩm shophouse thương mại có giá dưới 100 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, giá chào thuê shophouse thương mại ở một số khu vực trung tâm cũng đang ghi nhận tăng mạnh trong bối cảnh các nhà bán lẻ nước ngoài liên tục gia nhập, mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam sau dịch COVID-19.
Nhiều chuyên gia cho rằng trong khi thị trường bất động sản trầm lắng, phân khúc shophouse có mức tăng vượt ngưỡng như vậy là nhờ chiếm giữ các vị trí thuận lợi cho việc khai thác thương mại. Đặc biệt, tại các khu phức hợp cao cấp, nơi quy tụ cộng đồng cư dân hiện đại với mức sống cao, các dãy phố shophouse khối đế trở thành trung tâm văn hóa giải trí không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu về thư giãn, mua sắm của hàng nghìn cư dân đô thị.
Với nguồn cung nhỏ giọt, cùng tình hình tín dụng vào thị trường bất động sản bị siết chặt thì kịch bản hạ giá bất động sản rất khó xảy ra. Vì vậy, các nhà đầu tư nhạy bén thời gian gần đây đang tranh thủ chuẩn bị dòng tiền để "săn tìm" shophouse thương mại giàu tiềm năng tại các khu đô thị vệ tinh có kết nối hạ tầng phát triển, hoặc nơi tập trung lượng lớn chuyên gia nước ngoài sinh sống và làm việc.
Các chuyên gia cũng nhận định vì đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nhà đầu tư, shophouse khối đế thương mại vẫn đang đón nhận sự quan tâm lớn với dòng vốn mạnh mẽ chảy về như một khoản đầu tư đem lại lợi nhuận bền vững. Không chỉ là tài sản tích trữ an toàn, shophouse còn có thể tự kinh doanh hoặc cho thuê để thu về khoản tiền đều đặn hằng tháng, tính thanh khoản tốt khi được vận hành chuyên nghiệp.