Thị trường cà phê đang "phát điên" do lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Nguồn cung thiếu hụt, cảng quốc tế tắc nghẽn
Tháng 11/2021, giá cà phê thế giới tăng lên mức cao 10 năm do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế có thể kéo dài tới năm sau.
Trong niên vụ cà phê 2020/2021 (từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2021), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,81 triệu tấn, giảm 10,6% so với niên vụ 2019/2020 do ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi khi vành đai cà phê Thái Bình Dương xuất hiện mưa nhiều, gây bất lợi cho nhiều quốc gia sản xuất, trong khi lại gây khô hạn cho vùng trồng cà phê Arabica chính ở phía Đông Nam Brazil.
Trên sàn giao dịch London, ngày 29/11/2021 giá cà phê giao kỳ hạn tháng 1/2022, tháng 3/2022 và tháng 5/2022 tăng lần lượt 6,0%, 5,1%, 4,9% so với ngày 29/10/2021, lên 2.308 USD/tấn; 2.237 USD/ tấn và 2.202 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 29/11/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 tăng lần lượt 22%, 19,9%, 19% và 18,3% so với ngày 29/10/2021, lên mức 243,85 Uscent/lb, 242,95 Uscent/lb, 242,15 Uscent/lb và 241,35 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 29/11/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 12/2021, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 17,2%, 16,5%, 15,4% và 19,5% so với ngày 29/10/2021, lên mức 280,75 Uscent/lb, 286,95 Uscent/lb, 284,05 Uscent/lb và 294,5 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.363 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/ tấn, tăng 61 USD/tấn so với ngày 29/10/2021.
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng, ít nhất cho đến quý I/2022. Hiệp hội Cà phê Brazil và Colombia khẳng định nguồn cung không thiếu quá mức, nhưng khó khăn trong khâu vận chuyển khiến nguồn cung rất bị hạn chế. Còn theo dự báo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong niên vụ cà phê 2021/2022 Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng 980.000 bao cà phê so với niên vụ 2020/2021. Tuy nhiên, sản lượng cà phê Robusta xuất khẩu của Việt Nam tăng không bù đắp được lượng hàng bị ách tắc, không thể giao hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong vài tháng trước.
Ghi nhận của Etime, vào giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/12, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng 21 USD (0,91%), giao dịch tại 2.335 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 12 USD (0,53%), giao dịch tại 2.265 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York tăng mạnh. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 3,35 Cent (1,44%), giao dịch tại 236,6 Cent/lb. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng tăng 3,25 Cent (1,4%), giao dịch tại 235,8 Cent/lb. Khối lượng giao dịch kỳ hạn tháng 3 tăng mạnh.
Cà phê đang và sẽ ở trong “một cuộc đua tăng giá lớn do mất mát sản lượng”
Trong nước, đến thời điểm này, thời tiết không thuận lợi ở vùng Tây Nguyên, cùng với tình trạng thiếu hụt nhân công khi nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và phơi sấy cà phê niên vụ mới 2021/2022. Ngày 29/11/2021, giá cà phê Robusta trong nước tăng 300 – 400 đồng/kg so với ngày 29/10/2021, lên mức 40.700 – 41.500 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước ngay hôm nay (3/12) tại các địa phương thu mua trọng điểm như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông... vẫn tăng tiếp 200 đồng/kg, đứng ở mức từ 40.900-41.700 đồng/kg.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 78 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 12,6% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 2,63 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 11/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.327 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng 10/2021 và tăng 20,9% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.931 USD/tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Chủng loại xuất khẩu: Tháng 10/2021 so với tháng 10/2020, xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica, cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa (cà phê mít, trồng nhiều ở Tây Nguyên) giảm. Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê giảm, ngoại trừ cà phê chế biến.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Robusta là chủng loại cà phê xuất khẩu lớn nhất trong tháng 10/2021, đạt 85,7 nghìn tấn, trị giá 157 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với tháng 10/2020. Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 3,2% về lượng, nhưng tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang một số thị trường chủ lực giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá, gồm: Đức, Hoa Kỳ, Angieria, Thái Lan. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta sang một số thị trường tăng cả về lượng và trị giá như: Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Anh.
Dự báo về thị trường cà phê thời gian tới, các chuyên gia nhận định: Mức độ nghiêm trọng của biến chủng virus Omicron vẫn còn là một ẩn số. Trong khi đó, khả năng Mỹ sẽ tăng tốc quá trình rút bớt các biện pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ đồng USD tiếp tục hồi phục, kéo dòng vốn đầu cơ rời khỏi chứng khoán quay về lại hàng hóa, giúp các thị trường hàng hóa phái sinh có tính thanh khoản cao đồng loạt tăng, trong đó có mặt hàng cà phê.
Thực tế, giá cà phê đã liên tục tăng trong gần 12 tháng qua. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là, bao nhiêu yếu tố tích cực cho giá cà phê có thể trụ vững trong tương lai(?).
Yếu tố thứ nhất là những gì đang diễn ra ở Brazil trong năm nay, khi tình trạng băng giá và hạn hán ảnh hưởng đến một số khu vực trồng cà phê trọng điểm, sẽ khiến vụ mùa 2022 rơi vào tình trạng bấp bênh.
Những hiện tượng thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cà phê của Brazil vào cuối năm nay, cũng như vào năm 2022 và thậm chí có thể kéo dài đến năm 2023.
Yếu tố thứ hai là đối với nguồn cung Robusta, lượng mưa lớn ở Tây Nguyên, khu vực sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam, đang cản trở quá trình thu hoạch sẽ tiếp tục hỗ trợ tâm lý đầu cơ giá tăng. Đây chính là yếu tố thúc đẩy giá cà phê Robusta có được sức mua lớn trong các phiên giao dịch hiện nay. Đó cũng là yếu tố hỗ trợ cho dòng vốn đổ về các sàn giao dịch cà phê nhiều hơn. Trong khi nguồn cung từ nhà sản xuất Robusta hàng đầu là Việt Nam không dễ sớm cải thiện được.
Rõ ràng, cà phê đang và sẽ ở trong “một cuộc đua tăng giá lớn do mất mát sản lượng”. Những năm qua, nguồn cung cà phê của thế giới tập trung ở một hoặc hai nước sản xuất cà phê lớn, một là Brazil và hai là Việt Nam. Nguồn cung từ một trong hai nước này giảm sút như hiện nay, thì cả thị trường cà phê "phát điên" là điều khó tránh khỏi. Với giá cà phê tăng lên như hiện nay sẽ khuyến khích các quốc gia khác sản xuất thêm cà phê, song sẽ phải mất khoảng gần 2 năm để sản lượng cà phê có thể cân bằng cung-cầu, phản ứng được với biến động giá.