Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu?

27/11/2021 17:01 GMT+7
Giữa tháng 11/2021, giá cà phê thế giới tăng do nguồn cung bị thắt chặt và chi phí logictics ở mức cao. Dự báo xu hướng tăng giá cà phê sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu? - Ảnh 1.

Nguồn cung robusta vẫn còn bị thắt chặt, xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn.

Giá cà phê thế giới tăng do nguồn cung bị thắt chặt, chi phí logictics cao 

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/11, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng 16 USD (0,7%), giao dịch tại 2.308 USD/tấn; trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 9 USD (0,4%), giao dịch tại 2.237 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tiếp tục thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp đà tăng tốt. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 2,45 Cent (1%), giao dịch tại 242,95 Cent/lb. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng tăng 2,65 Cent (1,08), giao dịch tại 242,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch kỳ hạn tháng 3 tăng mạnh.

Giữa tháng 11/2021, giá cà phê thế giới tăng do nguồn cung bị thắt chặt và chi phí logictics ở mức cao. Dự báo xu hướng tăng giá cà phê sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. 

Theo báo cáo của Cecafé, thị trường Brazil có thể chậm giao khoảng 5 triệu bao cà phê đã hợp đồng bán trước cuối năm 2021 do giá kỳ hạn và giá nội địa tăng cao, khiến người trồng cà phê nước này có động thái giữ hàng. 

Theo Công ty tư vấn Archer Consulting, Brazil chỉ có thể xuất khẩu 21 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021/2022, giảm tới 55% so với niên vụ 2020/2021 do nguồn cung cạn kiệt. 

Trước đó, trên sàn giao dịch London, ngày 18/11/2021 giá cà phê giao kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 3,4%; kỳ hạn giao tháng 3/2022 và tháng 5/2022 cùng tăng 3,7% so với ngày 8/11/2021, lên mức 2.256 USD/tấn, 2.209 USD/tấn và 2.184 USD/tấn.

Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu? - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica thiết lập mức cao mới hơn 1 thập kỷ, sau khi nhận được thông tin hỗ trợ bởi niềm tin số việc làm ở Hoa Kỳ tăng cao, sau khi Tổng thống Joe Biden ký đạo luật chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD. Ngày 18/11/2021, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 tăng lần lượt 14,3%, 13,7%, 13,4% và 13,3% so với ngày 8/11/2021, lên mức 232,6 Uscent/lb, 234,75 Uscent/lb, 235 Uscent/ lb và 234,95 Uscent/lb.

Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu? - Ảnh 3.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/11/2021, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 12/2021 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 8,9% và 15,9% so với ngày 8/11/2021, lên mức 264,7 Uscent/lb, 286 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 3/2022 và tháng 5/2022 cùng tăng 10,2% so với ngày 8/11/2021, lên mức 273,95 Uscent/lb và 274,6 Uscent/lb. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.311 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với ngày 8/11/2021.

Nguồn cung robusta còn bị thắt chặt ít nhất là tới hết quý I/2022, giá còn tăng

Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu? - Ảnh 4.

Do dịch bệnh Covid-19 nên năm nay công nhân hái cà phê đang rất khan hiếm. (Trong ảnh: Người dân xã Đắk N'Rung, Đắk Song, Đắk Nông đang thu hoạch cà phê khi giá cà phê thị trường tăng mạnh). Ảnh: Duy Hậu

Trong nước, giá cà phê nội địa những ngày qua cũng tăng theo giá thế giới. Giá cà phê trong nước tăng 200-300 đồng/kg tại hầu hết các địa phương thu mua trọng điểm như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông trong phiên giao dịch hôm 26-27/11. Ngày 26-27/11/2021, giá cà phê Robusta trong nước tăng từ 200 – 300 đồng/kg so với những ngày đầu tháng 11, ở mức 40.600 – 41.400 đồng/kg.

Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu? - Ảnh 5.

Nguồn: giacaphe.com

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10/2021 giảm 1,1% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá so với tháng 9/2021; so với tháng 10/2020 tăng 7,9% về lượng và tăng 28% về trị giá, đạt 99,25 nghìn tấn, trị giá 217,27 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,28 triệu tấn, trị giá 2,45 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng, nhưng tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu? - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tháng 10/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2017, tăng 4,6% so với tháng 9/2021 và tăng 18,5% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.907 USD/tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu? - Ảnh 7.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Tháng 10/2021 so với tháng 10/2020, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Ý, Nhật Bản, Bỉ, Philippines. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang thị trường Nga tăng tới 140,7% về lượng và tăng 138,2% về trị giá. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2020, chỉ có xuất khẩu sang Nhật Bản, Nga, Trung Quốc tăng.

Nguồn cung đang bị thắt chặt, giá cà phê ngắn hạn sẽ tăng tới đâu? - Ảnh 8.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo dự báo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ cà phê mới 2021/2022 Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng 980.000 bao cà phê, tức tăng khoảng 4,47% so với xuất khẩu của niên vụ cà phê vừa qua.

Theo các thương nhân kinh doanh cà phê robusta ở khu vực Đông Nam Á nhận định, con số Việt Nam xuất khẩu tăng này cũng chưa sánh bằng số lượng bị ách tắc, không thể giao hàng vì dịch bệnh Covid-19 trong vài tháng vừa qua. Do đó, trong ngắn hạn, giá cà phê còn tăng do nguồn cung robusta vẫn còn bị thắt chặt ít nhất là tới hết quý I/2022, khi mà cấu trúc giá đảo trên sàn London vẫn được duy trì.

Thời tiết vùng cà phê Tây nguyên có nhiều mây và mưa nhỏ, không thuận lợi cho việc thu hoạch và phơi sấy cà phê vụ mới. Tuy nhiên, điều này cũng làm quả cà phê chín chậm, hỗ trợ cho việc thiếu hụt nhân công trầm trọng, trong khi nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, xuất khẩu cà phê tháng tháng 11 và 12/2021, mỗi tháng sẽ đạt khoảng 130.000 tấn. Nếu vẫn giữ được giá cao như hiện nay, có thể đem về thêm 600 triệu USD trong 2 tháng cuối năm, để đưa kim ngạch cà phê cả năm lập lại ngưỡng 3 tỷ USD.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục