Thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam đón nhiều startup ngoại
Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ lên tới 44,3% trong năm 2018. Theo KEN RESEARCH, thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, gần 80% học sinh, sinh viên Việt Nam áp dụng phương pháp học trực tuyến. Việt Nam được xếp thứ 17/200 quốc gia kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin ứng phó với đại dịch.
Nhận thấy tiềm năng này, gần đây các startup/nền tảng giáo dục có trụ sở nước ngoài liên tục mở chi nhánh/văn phòng gia nhập thị trường Việt Nam.
Cụ thể, một startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục Geniebook của Singapore vừa mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam. Geniebook đã gọi vốn thành công vòng tiền Series A có giá trị lên đến 1,1 triệu USD được dẫn dắt bởi Apricot Capital.
Ra mắt năm 2017, Geniebook muốn cá nhân hóa chương trình học tập thông qua công nghệ trí thông minh nhân tạo. Nền tảng sẽ đưa ra các câu hỏi dựa trên thế mạnh, thế yếu của từng học viên.
Tương tự, nền tảng hỗ trợ dạy và học trực tuyến ClassIn cũng vừa ra mắt ở Việt Nam. Ra đời từ năm 2014, ClassIn là startup công nghệ giáo dục hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
ClassIn đã được tin dùng bởi hơn 60.000 đơn vị giáo dục từ các trường mầm non đến lớp 12, trường Đại học và các trường tư thục khác, với hơn 20 triệu người dùng hằng tháng (giáo viên và học sinh) tại 150 quốc gia.
ClassIn có các các tính năng hỗ trợ giảng dạy trực tuyến toàn diện như chỉnh sửa tài liệu trong thời gian thực, cung cấp bài giảng và bản trình bày trực tuyến, tổ chức thảo luận nhóm, các tính năng tương tác... cho hiệu quả tương đương lớp học truyền thống.
Giáo viên và học sinh có thể tương tác, học tập ở mọi nơi trên thế giới qua ClassIn qua công nghệ gọi thoại video đa kênh, gồm 16 kênh gọi thoại và video.
Tính năng gọi thoại của ClassIn có khả năng đồng bộ hóa, giúp giáo viên và học viên có trải nghiệm học tập tốt mà không đòi hỏi yêu cầu kết nối mạng quá cao.