Thị trường lặng sóng giữa mùa thu hoạch giá tiêu ảm đạm, vì sao?
Giá tiêu hôm nay 1/2/2023: Thị trường lặng sóng giữa mùa thu hoạch
Theo khảo sát, giá tiêu ổn định trong khoảng 55.500 - 58.000 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm trong nước. Trong đó, mức giá thấp nhất theo ghi nhận hiện là 55.500 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai. Ba tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk và Đắk Nông tiếp tục thu mua hồ tiêu với cùng mức 56.500 đồng/kg. Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt đi ngang tại mức 57.500 đồng/kg và 58.000 đồng/kg.
Sau Tết, các địa phương vùng trồng trọng điểm đã bắt tay vào thu hoạch rộ vụ mới.
Bước vào vụ thu hoạch tiêu năm 2023, người trồng tiêu tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi giá bán đang ở mức thấp, trong khi đó tình trạng thiếu nhân công, giá thuê cao vẫn diễn ra. Vụ thu hoạch chính của Việt Nam kéo dài đến hết tháng 4. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự đoán năm 2023 sản lượng tăng khoảng 5% so với 2022 lên 180.000 - 185.000 tấn.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.663 USD/tấn, tăng 2,07%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 2.800 USD/tấn, tăng 50 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 6.175 USD/tấn, giảm 0,02%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.250 - 3.350 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng ở mức 4.750 USD/tấn. IPC tiếp tục điều chỉnh giá tiêu tại Indonesia.
Trong 17 ngày đầu tháng 1/2023, giá hạt tiêu đen trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất so với cuối năm 2022; giảm tại Indonesia, ổn định tại Malaysia, nhưng tăng tại Brazil và Việt Nam.
Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 17/01/2023, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 31 USD/tấn so với cuối năm 2022, xuống còn 3.546 USD/tấn. Ngược lại, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 197 USD/tấn so với cuối năm 2022, lên mức 6.104 USD/tấn.
Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 17/01/2023, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định so với cuối năm 2022, ở mức 4.900 USD/tấn và 7.300 USD/tấn.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 17/01/2023, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng tăng 200 USD/tấn so với cuối năm 2022, lên mức 3.250 USD/tấn và 3.350 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng tăng 200 USD/tấn so với cuối năm 2022, lên mức 4.750 USD/tấn.
Tại Brazil, ngày 17/01/2023, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 100 USD/ tấn so với cuối năm 2022, lên mức 2.600 USD/tấn.
Dự báo thị trường hạt tiêu thế giới diễn ra ảm đạm trong quý I/2023 do nguồn cung dồi dào. Ấn Độ và Việt Nam bước vào vụ thu hoạch rộ. Tại Việt Nam, qua Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu mùa vụ thu hoạch chính và kéo dài đến hết tháng 4. Dự kiến sản lượng hạt tiêu vụ mùa năm 2023 của Việt Nam sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2022, đạt 180.000 – 185.000 tấn.
Trước đó, thị trường hạt tiêu trong nước khá trầm lắng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Sau kỳ nghỉ Tết, các vùng trồng hạt tiêu chủ lực tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Trước đó, một số địa phương tại Đắk Lắk, Đắk Nông đã cho thu hoạch sớm.
Trong 18 ngày đầu tháng 01/2023, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối năm 2022. Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại Trung Quốc chậm, ngay cả khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Bên cạnh đó, có thông tin một số thương nhân Trung Quốc bán ngược hàng trở lại Việt Nam khi nước ta đang vào vụ thu hoạch (tin này chưa kiểm chứng).
Ngày 18/01/2023, giá hạt tiêu đen giảm từ 1.000 – 1.500 đồng/kg (tương đương mức giảm 1,7 – 2,6%) so với ngày 30/12/2022, xuống mức thấp nhất 56.000 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai – mức cao nhất 59.000 đồng/kg tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng ở mức 93.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với cuối năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2022.
Năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu giảm về lượng, nhưng tăng về giá trị so với năm 2021. Cụ thể: Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong năm 2022 đạt xấp xỉ 228,7 nghìn tấn, trị giá 970,6 triệu USD, giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Tính riêng tháng 12/2022, xuất khẩu hạt tiêu đạt 20,44 nghìn tấn, trị giá 73,54 triệu USD, tăng 25,6% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với tháng 11/2022; so với tháng 12/2021 tăng 36,2% về lượng và tăng 4,0% về trị giá.
Tháng 12/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.597 USD/tấn, giảm 2,9% so với tháng 11/2022 và giảm 23,7% so với tháng 12/2021. Tính chung cả năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.244 USD/tấn, tăng 18,1% so với năm 2021.
Cơ cấu thị trường: Năm 2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang hầu hết các thị trường giảm so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc giảm 50% cả về lượng và trị giá, đạt 18,95 nghìn tấn, trị giá 44,57 triệu USD. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu sang Philippines, Nga tăng.
Chủng loại xuất khẩu: Năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu đen giảm 18,7% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Nga tăng 20,6% về lượng và tăng 23,3%. Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu đen xay, hạt tiêu trắng và hạt tiêu trắng xay năm 2022 giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá so với năm 2021.
Năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết nhà cung cấp lớn như: Việt Nam giảm 12,4%, Brazil giảm 6,2%; còn tại Indonesia và Ấn Độ tính đến hết tháng 11 giảm 20,2% và 9,6%.
Thương mại hạt tiêu toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sức mua của người tiêu dùng giảm do lạm phát; giá nhập khẩu cao bởi sự mất giá đồng tiền, đặc biệt ở thị trường Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc đóng cửa phòng dịch theo chính sách Zero Covid và xung đột tại Ukraine làm xói mòn nhu cầu.
Thông tin trên báo chí, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA cho rằng, thông tin thương nhân Trung Quốc đang xuất ngược tiêu vào Việt Nam tiêu thụ chưa có cơ sở để kiểm chứng.
"Thông thường, trước vụ thu hoạch, một số thương lái sẽ có chiêu trò tung thông tin bất lợi để ép giá nông dân. Với những người có kinh nghiệm lâu năm, họ sẽ bình tĩnh và chờ đợi mức giá thuận lợi, phù hợp mới bán, còn với những người chủ vườn nhỏ lẻ, vốn ít, cần xoay xở tài chính thì có thể sẽ hoang mang".
Đại diện lãnh đạo Phúc Sinh Group, cũng cho biết: Doanh nghiệp bao giờ tin và mất thời gian cho những thông tin như thế. Về mặt logic, Việt Nam là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, trước đây chỉ có chúng ta xuất khẩu sản phẩm tiêu sang Trung Quốc. Điểm thứ hai là Trung Quốc đóng cửa chống dịch kéo dài thời gian qua; nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước còn không đủ họ lấy đâu sản phẩm mà xuất sang Việt Nam?.