Thị trường hạt tiêu đang chờ cú hích từ lực mua cho đợt tiêu dùng Tết Nguyên đán

04/01/2023 14:09 GMT+7
Thị trường hạt tiêu trong nước hôm nay 04/01 giữ vững mức 57.500 – 60.000 đồng/kg. Thị trường hạt tiêu đang chờ đợi cú hích từ lực mua của giới thương nhân cho đợt tiêu dùng Tết Nguyên đán sắp tới.

Giá tiêu hôm nay 4/1: Giá neo cao, thị trường sôi động 

Giá tiêu hôm nay 4/1 tại thị trường trong nước neo cao sau phiên điều chỉnh tăng. Cụ thể, tại Bà Rịa Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay đang được thương lái thu mua ở mức 60.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, Đồng Nai giá tiêu hôm nay duy trì ở 59.000 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay chững lại và neo cao. Tại Gia Lai giá tiêu hôm nay đang được các thương lái thu mua ở mức 57.500 đồng/kg. Tại Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay duy trì ở mức 58.500 đồng/kg.

Thị trường hạt tiêu đang chờ cú hích từ lực mua cho đợt tiêu dùng Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Thị trường hạt tiêu trong nước hôm nay 04/01 giữ vững mức 57.500 – 60.000 đồng/kg.

Theo nguồn Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu đen Lampung (Indonesia) mất 0,11% xuống 3.593 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 chốt ở 2.500 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok giảm 0,12% về mức 6.005 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vững ở 7.300 USD/tấn.

Tại Việt Nam, giá tiêu đen đồng loạt tăng mạnh đạt 3.100 – 3.200 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; tiêu trắng lên mức 4.600 USD/tấn.

Thị trường hạt tiêu đang chờ cú hích từ lực mua cho đợt tiêu dùng Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Tại Việt Nam, giá tiêu đen đồng loạt tăng mạnh đạt 3.100 – 3.200 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; tiêu trắng lên mức 4.600 USD/tấn.

Hiện nay, tại thị trường trong nước, lực mua hàng của giới thương nhân Trung Quốc cho đợt tiêu dùng Tết Nguyên đán kỳ vọng tiếp tục đẩy giá tiêu đồng loạt lên trên 60.000 đồng/kg trước vụ thu hoạch rộ sắp diễn ra.

Theo VPA, năm 2023, ngành hạt tiêu có thể được đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên để đảm bảo giá trị ngành hàng hạt tiêu và phát triển bền vững, luôn luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất. Phải đặt nông dân ở vị trí trung tâm và nông dân cần nâng cao kiến thức canh tác và cần khuyến khích doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hoặc liên kết với hợp tác xã, nông dân.

Vừa qua, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ hạ cấp độ ứng phó Covid-19, ngừng cách ly bắt buộc với hành khách nhập cảnh nước này từ ngày 8/1/2023. Động thái trên được coi là bước tiếp theo nhằm nới lỏng dần chiến lược "Zero Covid" được Trung Quốc duy trì gần 3 năm qua, chuyển sang sống chung với dịch bệnh.

Thông tin trên cùng với kết quả tăng trưởng ấn tượng vừa được công bố hôm qua giúp thị trường tiêu khởi sắc. Bởi trong giai đoạn cuối năm này, thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu tiêu. Trên nhiều diễn đàn cho thấy, tình trạng thương lái tranh mua tiêu với mức giá cao hơn giá tham khảo trên mạng, nhanh chóng đẩy mặt bằng giá cán mốc 60.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến nhận định, nguyên nhân do thị trường Trung Quốc sắp "mở cửa", nên thương lái tích cực gom hàng trở lại.

Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, các thị trường Đức, Anh và Pháp nhập khẩu hạt tiêu từ thế giới tăng lần lượt 7,8%, 15% và 14,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt lần lượt 116,48 triệu USD, 60,37 triệu USD và 57,78 triệu USD.

Trong đó, các thị trường Đức, Anh và Pháp nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam tăng lần lượt 19,8%, 59,5% và 31,5%, đạt trên 53 triệu USD, 32,68 triệu USD và 23,34 triệu USD, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của các thị trường Đức, Anh và Pháp ở mức cao, lần lượt là 45,52%, 54,14% và 40,39% trong 10 tháng năm 2022.

Dự báo trong ngắn hạn, nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường Đức, Anh, Pháp sẽ duy trì ở mức thấp. Hiện, châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng khiến giá lạm phát tăng cao, kinh tế suy giảm.

Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại châu Âu sẽ tăng trở lại khi các vấn đề về năng lượng, lạm phát được giải quyết, sẽ tác động tích cực lên ngành hạt tiêu Việt Nam.

Các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ giúp ngành hạt tiêu Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước chưa có hiệp định.

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhận định, trong năm 2023 ngành hạt tiêu Việt Nam cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm mới giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn so với một số nước sản xuất tiêu khác như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka và Campuchia các quốc gia này chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA thế hệ mới) với Liên minh châu Âu (EU). Điều này được cụ thể hóa khi thuế suất về 0% đối với một số loại gia vị Việt Nam như tiêu xay hoặc nghiền, thậm chí các loại gia vị khác như ớt, vani, đinh hương… cũng được hưởng lợi từ thuế suất này.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục