Thị trường thức ăn chăn nuôi: "Bánh ngon" trong tay ai?
Doanh nghiệp ngoại chiếm ưu thế
Trong Top 10 công ty TACN uy tín năm 2020 do Vietnam Report công bố mới đây, 5 DN có vốn nước ngoài nằm ở vị trí đầu tiên. DN trong nước có 4 nhưng ở phía sau. Điều này cho thấy DN ngoại tiếp tục chiếm áp đảo về số lượng và quy mô.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất TACN, trong đó có 85 nhà máy thuộc DN nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%), 180 nhà máy thuộc DN trong nước (chiếm 68%). Thế nhưng tỷ lệ chiếm giữ thị phần thì ngược lại tương ứng 65-35% và còn có nguy cơ chênh lệch hơn nữa trước sự mở rộng về quy mô, số lượng DN cũng như sản lượng của DN ngoại.
Không chỉ vượt trội về thị phần, mà hầu hết các DN nước ngoài có chiến lược kinh doanh bài bản với chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín. Trong khi đó, các DN trong nước vừa nhỏ về quy mô, nguồn lực hạn chế, các phương thức quản trị còn yếu, tiếp cận thị trường chưa hiệu quả…
Đơn cử như mới đây, công ty Japfa khánh thành nhà máy sản xuất TACN tại Bình Định. Đây là nhà máy thứ 6 của Japfa Comfeed tại Việt Nam, với quy mô 180.000 tấn TACN/năm, vốn đầu tư 13 triệu USD.
Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn thịt Việt Nam là động lực chính của ngành TACN trong nước. Mặc dù vậy, hiện tại nguyên liệu TACN vẫn là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã chi hơn 3,2 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi các DN nước ngoài mạnh về nguồn vốn nên kiểm soát giá nguyên liệu tốt hơn và thị trường TACN có dấu hiệu bị chi phối bởi một số công ty lớn. Điều này dẫn đến giá TACN trong nước luôn phụ thuộc và cao hơn mặt bằng chung của thế giới, vì vậy, sản phẩm chăn nuôi nội địa cũng khó cạnh tranh về giá so với hàng nhập. Dịch tả lợn châu Phi và sự cạnh tranh trong ngành là một lần thanh lọc nhưng đồng thời cũng là cơ hội đổi mới với ngành TACN. Để vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành TACN trong giai đoạn này, buộc các DN trong ngành phải tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, tái cơ cấu hoạt động, chú trọng hơn đến an toàn sinh học.
Để hỗ trợ tốt hơn cho ngành TACN của Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần hỗ trợ DN và nông dân phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm- Food- FeedFertilizer); đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm TACN, đặc biệt với sản phẩm mới đưa ra thị trường bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TACN; tạo điều kiện cho các DN sản xuất TACN mở rộng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ đẩy nhanh công tác tái đàn, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Có như vậy, mới dần lấy lại thếcân bằng với DN ngoại.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thị trường TACN Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng kép hàng năm 5,06% trong giai đoạn dự báo để đạt quy mô thị trường 12.270 tỷ USD vào năm 2025 (từ mức 9.124 tỷ USD vào năm 2019).