Việt Nam cần làm gì để bứt phá trở thành cường quốc số 1 về cà phê?
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê 11 tháng 2020 của Việt Nam ước tính đạt 2,46 tỷ USD giảm 3,9% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Việc xuất khẩu sụt giảm là do ảnh hưởng từ dịch bệnh, giao thương khó khăn cũng như nhu cầu tiêu thụ của các thị trường giảm.
Chia sẻ trong khuôn khổ hội nghị “Xúc tiến thương mại doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đầu tư quốc tế” diễn ra ngày 11/12 theo hình thức online và offline, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) - đánh giá: Mặc dù có sự sụt giảm đáng kể, nhưng chúng ta đứng trước các cơ hội rất lớn từ 15 FTA đã được ký kết, trong đó có một số hiệp định lớn như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Những hiệp định này giúp chúng ta có cơ hội được hưởng thuế suất chỉ từ 0-6% khi xuất khẩu cũng như mạng lại nguồn lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường Việt Nam. Do đó, VICOFA đang đẩy mạnh việc xuất khẩu, xúc tiến tiêu thụ cà phê trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ cà phê rang xay, chế biến cũng như đẩy mạnh văn hóa thưởng thức cà phê cao cấp.
“Trong những năm vừa qua, ngành cà phê Việt Nam có nhiều thay đổi. Cụ thể là chúng ta đã đẩy mạnh sang chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan (chiếm khoản 12%). Ngoài ra, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tiêu thụ cà phê nội địa với sự trở lại của rất nhiều thương hiệu Việt và chuỗi cung ứng quốc tế cũng như sự tăng nhanh của các hệ thống chuỗi. Từ đó, đưa sản lượng tiêu thụ nội địa trong nước hiện nay đạt trên 10%” - ông Tự nhận xét.
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Phó Chủ tịch VICOFA, Tổng giám đốc của TNI King Coffee, đồng sở hữu tập đoàn Trung Nguyên, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để bứt phá và vươn mình thành cường quốc số 1 về cà phê.
Bà Thảo cho rằng nếu chúng ta nâng cao giá trị ngành cà phê Việt Nam, chúng ta sẽ có cơ hội đạt được 2 thành tựu quan trọng. Thứ nhất là giúp cho 10% sản lượng cà phê nhân xuất khẩu thành cà phê thành phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Thứ hai là gia tăng tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa từ 1.68 kg/người (năm 2019) lên 3 kg/người (năm 2023). Và chỉ khi có được sức mạnh nội lực, vững chãi trên thị trường nội địa, cà phê Việt Nam mới có cơ hội để được đối xử bình đẳng, được tôn trọng, được trả giá đúng với giá trị mà người nông dân và các nhà sản xuất Việt Nam đã bỏ ra.
Để góp phần xây dựng thương hiệu cà phê Việt ngày càng lớn mạnh, TNI King Coffee đã và đang triển khai một số dự án như: Women Can Do, quỹ Happy Farmer…
Trên thực tế, với xuất khẩu, ngành cà phê đã định hướng sẽ khai thác tối đa các lợi thế của những FTA mà Việt Nam đang tham gia để nâng cao thị phần trên thị trường thế giới. Còn tại nội địa, trong định hướng sắp tới của VICOFA sẽ tăng tỷ lệ tiêu thụ lên khoảng 25 - 30% trên tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này VICOFA đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải tập trung nâng chất cà phê, doanh nghiệp đã phát triển thương hiệu tại các kênh phân phối, mở chuỗi cửa hàng kinh doanh…
Dù diễn ra trong thời điểm đại dịch bùng phát, tuy nhiên hội nghị này vẫn thu hút sự tham gia của hơn 62 tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hội nghị năm nay nhận được nhiều sự chia sẻ từ các đại diện quốc tế về những giải pháp giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ nội địa của mỗi quốc gia, khu vực và đặc biệt là các giải pháp xuất - nhập khẩu cận biên giữa các quốc gia kề chung biên giới, chung khu vực.