Thị trường vàng: Chuyên gia nói thẳng về e ngại của nhà quản lý, đề xuất Nhà nước chỉ điều tiết chính sách

25/01/2024 16:35 GMT+7
Theo chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt, chính sách quản lý thị trường vàng tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, đây là thời điểm chúng ta cần nhiều giải pháp căn cơ, thay đổi mạnh dạn để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng đối với thị trường vàng.

"Chúng ta nên cân nhắc mở rộng vấn đề bình đẳng hàng hóa vàng vật chất, cần thiết phải xem lại có nên duy trì thương hiệu vàng quốc gia hay không?", ông Cường đặt vấn đề.

Thị trường vàng: Chuyên gia nói thẳng về e ngại của nhà quản lý, đề xuất Nhà nước chỉ điều tiết chính sách - Ảnh 1.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Nhà nước quản lý là đúng nhưng không có nghĩa là Nhà nước phải nắm trực tiếp sản phẩm đó. Thương hiệu vàng quốc gia đã đến lúc hoàn thành sứ mệnh của nó, chúng ta trả lại cho vàng là sản phẩm hàng hóa thông thường. Doanh nghiệp nào có đủ năng lực sẽ có sản phẩm của mình đưa ra, tuy nhiên Nhà nước phải quản lý.

Ông nói thêm: Phương thức quản lý bây giờ phải khác đi, chúng ta phải dùng công cụ để điều tiết, tăng cường công cụ về thuế, về kiểm soát thông tin. Vàng không giống các loại hàng hóa khác, nó không bị mất đi mà chỉ từ vàng miếng sang vàng trang sức. Vì vậy quá trình quản lý, vận hành của mặt hàng này, theo ông Cường, Nhà nước phải quản lý chặt.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý cũng cần phải thay đổi. Phải xem lại việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, sử dụng công cụ thuế để điều tiết…

"Như vậy, doanh nghiệp nào thấy cần thiết, có hiệu quả thì mới nhập. Chúng ta từ bỏ phương thức quản lý hành chính", Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh.

Hai là, phải mở thêm các thị trường mới, giao dịch trên tài khoản, trên các công cụ tài chính. Điều đó sẽ hạn chế được thị trường vật chất, giúp tiện lợi hơn, hiệu quả, an toàn hơn, không cần thiết phải mua vàng miếng cất ở nhà nữa. Từ đó sẽ thay thế dần được thị trường vàng vật chất, vàng miếng tích trữ.

"Nếu giao dịch vàng miếng, vàng tích trữ trên tài khoản thì chúng ta có rất nhiều công cụ để kiểm soát. Sàn giao dịch vàng là đầu mối các sàn giao dịch hàng hóa khác. Vàng vẫn là hàng hóa khá đặc biệt, chúng ta cần phải có cơ chế và phân cấp độ cho các sàn vàng, không chỉ mỗi Nhà nước mà các ngân hàng lớn, các cơ quan lưu ký có đủ tiềm lực đều có thể tham gia vào cơ quan lưu ký, tham gia vào thị trường thứ cấp để lưu thông quốc tế. Mở thị trường sơ cấp cho toàn dân có thể tham gia. Và đương nhiên chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý rất chặt chẽ, nhưng lại rộng mở để phát triển thông thoáng, sử dụng các quy luật thị trường cho cả hai nhóm vàng vật chất lẫn vàng giao dịch trên tài khoản", vị này nói thêm.

Thị trường vàng: Chuyên gia nói thẳng về e ngại của nhà quản lý, đề xuất Nhà nước chỉ điều tiết chính sách - Ảnh 2.

TS. Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế nhận định, hiện Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng khá chặt chẽ, hơi mang tính hành chính. Phương thức này phù hợp với bối cảnh năm 2012 khi thị trường vàng có nhiều bất ổn nên chúng ta phải có các giải pháp tình thế mang tính hành chính. Sự chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới trong hơn 2 năm qua đến nay vẫn chưa có sự thay đổi. Ông cho rằng sự e ngại, do dự của nhà quản lý có vấn đề của nó, có căn nguyên là e ngại nếu chúng ta mở cửa thị trường vàng này thì có thể hiện tượng vàng hoá, bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ quay lại. Sự e ngại này có thể hiểu được. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, nhờ việc triển khai khá đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các giải pháp hạn chế tình trạng "đô la hoá", gần như chấm dứt tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế thì sự e ngại đó cơ bản là không còn.

"Đã đến lúc chúng ta thấy rằng Nghị định 24 hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và cần có sự thay đổi", ông nói.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện quản lý và hoạch định hành chính, chính sách, điều tiết, dự trữ ngoại hối bằng vàng theo các pháp lệnh hiện hành, ví dụ như pháp lệnh ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, mà không tham gia sản xuất kinh doanh và điều tiết thị trường vàng và các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào quá trình kinh doanh vàng, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.

Tiếp đến, thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường. Đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới.

Thứ ba, phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng. Điều cuối cùng là quản lý thị trường vàng phải có giải pháp thích hợp để huy động được khối lượng vàng lớn trong dân hiện nay.

H.Anh
Cùng chuyên mục