Thiếu hướng dẫn cụ thể, đấu thầu dự án chuyên ngành gặp khó

09/08/2023 07:55 GMT+7
Hiện tại, lượng dự án chuyên ngành, xã hội hóa liên quan tới các ngành đặc thù như điện, cấp thoát nước, xử lý rác thải tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nhà đầu tư do thiếu quy định hướng dẫn cụ thể.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, trong năm 2022 có 34 dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành và xã hội hóa phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.

Số dự án nói trên có tổng vốn đầu tư hơn 26 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi về số lượng so với năm trước. Trong đó, tổ chức đấu thầu trong lĩnh vực nhà ở xã hội được triển khai nhiều nhất với 18 dự án; tiếp đó là lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp thoát nước, năng lượng tái tạo…

Hiện tại, tỷ lệ nhà đầu tư đăng ký tham gia đạt 1,18/dự án, tuy nhiên, giới chuyên môn, địa phương cho rằng, con số này vẫn thấp so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân được đưa ra là do thiếu những hướng dẫn chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư, gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện hoặc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục do phải có văn bản hỏi các bộ chuyên ngành.

Thiếu hướng dẫn cụ thể, đấu thầu dự án chuyên ngành gặp khó - Ảnh 1.

Các dự án chuyên ngành, xã hội hóa đang thiếu hướng dẫn cụ thể từng lĩnh vực.

Các dự án phải tổ chức đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa hiện nay phải vận dụng mẫu hồ sơ đấu thầu của dự án đầu tư có sử dụng đất mà chưa có mẫu riêng, gây khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ.

Do đó, ví dụ đối với dự án điện LNG, cảng tổng hợp, các dự án bệnh viện, xử lý rác thải, nếu áp tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ không phù hợp dẫn tới khó xây dựng tiêu chí.

Trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2022 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đánh giá, quy định với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hóa chưa được ban hành kịp thời.

Tuy nhiên, đến nay, còn một số bộ, ngành chưa thực hiện nhiệm vụ này, có bộ đã chủ động xây dựng hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án nhưng nội dung hướng dẫn lại dẫn chiếu áp dụng theo quy định hiện hành.

Điển hình, Thông tư hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp tiêu chuẩn đánh giá HSDT và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay.

Thông tư đã được ban hành, nhưng nội dung về giá trị nộp ngân sách nhà nước lại dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Nghị định số 25 và Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.

Do đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý ngành khẩn trương, nghiêm túc ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án phải đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.


Thanh Phong
Cùng chuyên mục