Thời hạn thuế quan 15/12 sát nút, Trump có "xuống nước" để đạt thỏa thuận Mỹ Trung?
“Đó là tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần tới. Tôi không nghĩ rằng Trump sẽ giữ nguyên mức thuế quan như vậy. Có thể họ sẽ tìm một lý do để trì hoãn chúng” - trích lời James Paulsen, chiến lược gia đầu tư Leuthold Group. “Tuy nhiên, những động thái của Tổng thống Donald Trump là vô cùng khó đoán. Thị trường không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra cho đến khi mọi thứ xảy ra”.
“Không chỉ vấn đề thuế quan, mọi vấn đề thương mại hiện nay đều có nguy cơ trở nên bất ổn” - Paulsen bổ sung. Trong tuần qua, Tổng thống Donald Trump bất ngờ áp thuế trừng phạt đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ Brazil và Argentina, đồng thời đe dọa áp thuế 100% với số hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD từ Pháp để trả đũa thuế kỹ thuật số mà nước này đưa ra hồi tháng 7/2019. Theo kết quả điều tra của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, mức thuế kỹ thuật số 3% mà Pháp đánh lên các đại gia công nghệ Mỹ sẽ gây thiệt hại lớn cho các công ty Mỹ nói riêng và nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia trên thế giới nói chung. Trump thậm chí còn khiến thị trường dấy lên quan ngại bằng lời cảnh báo có thể trì hoãn thỏa thuận với Trung Quốc đến tận sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Tờ CNBC chỉ ra rằng kể từ hôm 6/12 đến nay, cả hai phái đoàn đàm phán đã ngừng nhắc tới khả năng đạt được thỏa thuận thương mại, mặc dù nhiều quan chức tiết lộ đàm phán đang diễn ra hết sức tốt đẹp. Tổng thống Trump hồi tuần trước còn nhắc lại mức thuế 15% với 156 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực vào 15/12 nhằm tăng thêm áp lực cho phía Bắc Kinh. Đáp lại điều này, giới truyền thông Trung Quốc mạnh mẽ khẳng định điều kiện tiên quyết của Trung Quốc cho bất kỳ thỏa thuận thương mại nào là dỡ bỏ thuế quan.
Dan Clifton, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Strategas dự đoán rằng Mỹ và Trung Quốc khó mà đi tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong tuần này, trước khi thuế quan của Trump có hiệu lực. Thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng ngay cả khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt đến thỏa thuận, thì thỏa thuận mới này cũng mang nhiều động cơ chính trị hơn là giải quyết các xung đột thương mại. Tức là những xung đột cơ bản vẫn được dành lại cho thỏa thuận giai đoạn 2 hoặc 3 mà không có mốc thời gian cụ thể nào.
Kể từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã coi thuế quan như một đòn bẩy đắc lực trên bàn đàm phán thương mại nhằm nhắc nhở các quốc gia khác đi đúng hướng trên thị trường thương mại quốc tế. Đó là lý do tại sao đa số các cuộc xung đột thương mại của Mỹ đều có xu hướng biến tướng thành chiến tranh thuế quan, mà tiêu biểu nhất là căng thẳng thương mại Mỹ Trung cay đắng trong gần 2 năm qua. Bất chấp nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng thuế quan của Trump sẽ gây tổn thương nặng nề cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ đầy ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11/2019 vừa qua đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 50 năm, khi tăng trưởng việc làm trên thị trường lao động đạt tới 266.000, vượt xa ước tính của các chuyên gia kinh tế.
Trong tuần này, tâm điểm thị trường sẽ đổ dồn vào cuộc họp của Ủy ban thị trường mở FOMC thuộc FED, cuộc họp cuối cùng về chính sách tiền tệ trước khi kết thúc năm 2019. Dự kiến Ngân hàng Trung Ương Mỹ sẽ giữ ổn định mức lãi suất hiện tại sau 3 lần cắt giảm lãi suất liên tiếp trong năm.