Cơ hội 50/50 để Mỹ -Trung ký thỏa thuận thương mại trong năm 2019
“Có một cơ hội 50-50 cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đầy mong manh này, phần lớn là do cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều cần thỏa thuận để tăng cường vị thế chính trị trong nước” - ông Stephen Roach nhận định.
Theo vị chuyên gia kinh tế, thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh có thể giúp Tổng thống Donald Trump trấn an tâm lý thị trường, đồng thời “đánh lạc hướng” dư luận khỏi những vấn đề chính trị trong nước như điều trần luận tội. Dù rằng theo ông Roach, một thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ không giúp Mỹ giải quyết triệt để vấn đề thâm hụt thương mại của nước Mỹ.
Ở phía ngược lại, thỏa thuận thương mại với Mỹ cũng giúp Chủ tịch Tập Cận Bình xoa dịu các nhà đầu tư trong bối cảnh tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. “Ngay lúc này đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đang bị đặt trong một vị thế không dễ dàng. Cũng như Trump, Tập Cận Bình đang trải qua những tuần áp lực. Cả hai nền kinh tế đều tìm kiếm một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”, ông Steve Okun, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn McLarty Associates nhấn mạnh.
Không riêng thương chiến Mỹ Trung, vấn đề Hồng Kông và thực trạng kinh tế lao đao do dịch tả lợn Châu Phi đẩy lạm phát tiêu dùng phi mã cũng là những thách thức lớn với con đường chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, các nhà bình luận chính trị cho hay.
“Đây là một thỏa thuận được xây dựng hoàn toàn dựa trên động cơ chính trị” - chuyên gia Stephen Roach nói thêm. Có nghĩa là thỏa thuận gần như không mang đến tác động tích cực, có ý nghĩa nào cho người tiêu dùng Mỹ. Nguyên nhân đơn giản là bởi nội dung thỏa thuận sơ bộ không đề cập đến mâu thuẫn thương mại cốt lõi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, mà tập trung chủ yếu vào cam kết nhập khẩu nông sản và dỡ bỏ một phần kế hoạch tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa dự kiến có hiệu lực hôm 15/10. Một phần nội dung khác đề cập đến vấn đề sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính, chưa đi sâu vào giải quyết vấn đề trợ cấp chính phủ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Thỏa thuận giai đoạn 1 ban đầu được dự kiến ký kết vào cuối tháng 11, nhưng cho đến nay hai nước vẫn chưa hoàn tất công đoạn văn bản hóa các điều khoản. Trong khi Bắc Kinh liên tục thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ thêm thuế quan như một phần nội dung thỏa thuận, Trump lại đe dọa sẽ áp thuế mạnh tay hơn. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định khó có khả năng thỏa thuận Mỹ Trung được ký kết trong năm 2019.
Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể ký kết thỏa thuận trước 15/12, mức thuế quan 15% tiếp theo mà Mỹ áp lên 156 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực. Tính từ đầu cuộc chiến tranh thương mại cho đến nay, ước tính cả hai quốc gia đã áp dụng thuế quan trừng phạt và trả đũa với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ đối phương, điều gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế. Dữ liệu mới công bố hôm 2/12 cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ đang tiếp tục suy yếu trong tháng 11 khi chỉ số quản lý thu mua PMI vẫn nằm dưới mức trung lập 50.