Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nợ xấu theo Nghị quyết 42 có thể tăng lên 18,5 tỷ USD
Báo cáo tổng kết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.
Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).
Nợ xấu theo Nghị quyết 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng cuối năm 2022
Một trong những kết quả nổi bật được Thống đốc báo cáo là kết quả xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ là 148.000 tỷ đồng (chiếm 38,93% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả trung bình năm từ 2012 - 2017 nợ/tổng nợ xấu là khoảng 22,8%).
Kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng và VAMC đạt khoảng 77.195 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý (trong khi đó, lũy kế từ năm 2012-2017, kết quả xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ chỉ đạt 19.524 tỷ đồng).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nêu rất nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42 từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương và từ chính các quy định tại nghị quyết số 42.
Trong đó, có khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương: Về việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu (Điều 6 Nghị quyết số 42); Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) (Điều 7 Nghị quyết số 42); Về áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 8 Nghị quyết số 42); Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ (Điều 12 Nghị quyết số 42); Về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự (Điều 14 Nghị quyết số 42). Bên cạnh đó, còn có khó khăn, vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42 liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm; phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng không đề nghị sửa những vướng mắc trên mà đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và thủ tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.
"Việc ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42 là vấn đề cấp bách về kinh tế để tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết được của đại dịch Covid 19, …", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, những cơ chế, chính sách thí điểm xử lý nợ xấu nếu không được tiếp tục triển khai thì tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42), khi đó dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024 (tại thời điểm 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng).
Kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023, nghi vấn nợ xấu từ FLC và Tân Hoàng Minh
Chia sẻ với PV Etime, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng thừa nhận nợ xấu đang là một trong những rủi ro, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn có thể tiếp diễn trong năm 2022, doanh nghiệp dù hồi phục song vẫn còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực dịch vụ phục hồi chậm, khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Dẫn số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, ông Lực cho biết: Đến hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,5%, nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ được cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu gộp có thể khoảng 6,3% (so với mức 5,1% cuối năm 2020).
Với đà này, dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% năm 2022 và sẽ là thách thức khi các chính sách giãn hoãn nợ, cơ cấu lại nợ và Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực.
Điều này đặt ra yêu cầu gia hạn, điều chỉnh Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu (sẽ hết hiệu lực từ ngày 15/8/2022) cùng với nỗ lực của các TCTD trong việc tăng dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu.
Liên quan về áp lực gia tăng nợ xấu, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ lo ngại khi đề cập đến việc gần đây xử lý các tập đoàn lớn như FLC và Tân Hoàng Minh do có vi phạm.
Cụ thể, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết cử tri băn khoăn, liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không. Từ đó, bà Thanh đề nghị NHNN cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh.
"NHNN nên phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, đặc biệt liên quan hai tập đoàn là FLC và Tân Hoàng Minh", bà Thanh nêu.
Cũng tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với ý kiến đề nghị cần xem xét sửa đổi một số nội dung cần thiết, có ý nghĩa thúc đẩy hơn nữa quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian kéo dài thí điểm.
Cụ thể là sửa đổi phạm vi của khoản nợ xấu tại khoản 1 điều 4 của Nghị quyết 42 theo hướng không giới hạn thời điểm (15/8/2017) mà áp dụng cơ chế xử lý nợ xấu tại nghị quyết cho tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian áp dụng nghị quyết.
"Nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu cùng với hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc mở rộng phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế", ông Thanh nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý thêm, khi kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 cần chú ý đến các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện nghị quyết để đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết.
Về thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kéo dài toàn văn nghị quyết, bổ sung thêm căn cứ kéo dài, tuy nhiên chỉ tối đa đến 31/12/2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.