Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lại "thúc" đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank

15/12/2021 14:30 GMT+7
Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Quyết định số 1963/NHNN về Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vừa ký ban hành.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank

Theo Quyết định này, mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 là triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng, góp phần tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tiết kiệm chi phí nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai.

Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề cập chính là việc đây mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

"Trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)", quyết định nêu rõ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank. (Ảnh: Agribank)

Liên quan đến tiến độ cổ phần hóa, trong một lần trao đổi với PV Etime trước đó, đại diện Agribank chia sẻ 5 lý do dẫn tới khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ở thời điểm IPO.

Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, khi đăng ký thủ tục làm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải đặt cọc 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phương án cổ phần hóa đã phê duyệt trong khi chưa biết được giá mua (giá mua sẽ được ấn định vào ngày IPO) - đây chính là một cản trở đối với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi có ý định trở thành đối tác chiến lược của Agribank.

Hai là, theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.

Do vậy, nhà đầu tư chiến lược sẽ dành ít sự quan tâm khi mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối ở mức cao (đối với Agribank là từ 65% trở lên theo theo quy định hiện nay).

Bà là, thực tế triển khai của 03 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV cho thấy khả năng thành công trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong thời gian cổ phần hóa (đến khi IPO) là không cao.

Bốn là, nhiều ngân hàng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia... đã trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam nên không thể trở thành đối tác chiến lược của Agribank (theo quy đinh tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP).

Trong khi đó, việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại tại Việt Nam của các định chế tài chính ở Châu Âu/Mỹ bị ảnh hưởng bởi các hiệp định ký kết giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu và quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động (hệ số CAR) dẫn đến chi phí vốn cao sẽ hạn chế, không khuyến khích các định chế này đầu tư vào Việt Nam.

Cuối cùng, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, trong thời gian tới, việc đi lại của các chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam để tiếp xúc, trao đổi, làm việc không thuận lợi do liên quan đến việc thực hiện cách ly theo quy định.

Vì vậy, việc tham gia các gói thầu lựa chọn tổ chức tư vấn phục vụ quá trình cổ phần hóa (sau khi có quyết định cổ phần hóa Agribank) của các đối tác nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.

Điều hành tăng trưởng tín dụng an toàn

Quay trở lại với Quyết định số 1963/NHNN, tại Quyết định này Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều hành các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Triển khai toàn diện, quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank - Ảnh 3.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. (Ảnh: BID)

Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn vốn và tài chính của NHNN và của các đơn vị trong ngành Ngân hàng. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản và kinh phí hoạt động.

Ngoài ra, xây dựng và quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả; Đảm bảo thực hiện dự án theo văn kiện đã ký kết với nhà tài trợ; phân bổ và giải ngân nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng theo đúng kế hoạch và đúng quy định của pháp luật và nhà tài trợ. Tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục