Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ trình quyết định cho vay đặc biệt không cần thế chấp, lãi suất 0%/năm

Linh Anh
15/05/2025 11:40 GMT +7
Tới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ trình sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 193 Luật Các TCTD hiện hành để điều chuyển thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN. Theo đó, NHNN quyết định cho vay đặc biệt (có hoặc không có tài sản bảo đảm) đối với tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN là 0%/năm.

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, cuối tuần này, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng sẽ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Quốc hội sẽ nghe Báo cáo thẩm tra dự án luật này từ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 44, ngày 24/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. 

Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương đã chỉ rõ những vấn đề thực tiễn được chứng minh đúng và có sự đồng nhất cao cần được luật hóa.

Nghị quyết 42/2017/QH14 đã thí điểm 7 năm, không phải chính sách đặc biệt mà là hoạt động thường xuyên của ngân hàng, vì nợ xấu là vấn đề liên tục trong hoạt động tín dụng. Việc luật hóa Nghị quyết 42 phù hợp với thực tiễn quốc tế, nơi quy định rõ rằng nếu không trả được nợ, tài sản bảo đảm phải được xử lý.

Về tính hợp hiến, hợp pháp của quy định thu giữ tài sản bảo đảm, Bộ Tư pháp đã thẩm định và xác nhận không trái Hiến pháp. Thu giữ tài sản không phải vô điều kiện hay đơn phương, mà dựa trên thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng từ khi ký hợp đồng vay. Dự thảo quy định rõ điều kiện, trình tự, thủ tục thu giữ, nghiêm cấm áp dụng biện pháp vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. TCTD phải ban hành quy định nội bộ, và các cơ quan như chính quyền địa phương, công an sẽ giám sát để ngăn ngừa lạm dụng, đảm bảo trật tự và quyền lợi các bên…

Nhà điều hành nêu, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài , tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm bằng tài sản, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay

Ảnh minh họa.

Theo giới chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, dự thảo luật cần làm rõ tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật khi luật hóa các quy định này với các luật hiện hành như Hiến pháp 2013, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 193 Luật Các TCTD hiện hành để điều chuyển thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN. Theo đó, NHNN quyết định cho vay đặc biệt (có hoặc không có tài sản bảo đảm) đối với tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay đặc biệt của NHNN là 0%/năm.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD hiện hành được kỳ vọng sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tính nhân văn khi thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.


Theo nhà điều hành, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Nguyên nhân nợ xấu gia tăng chủ yếu do Kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro và thách thức; kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và diễn biến phức tạp của thiên tai;

Thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm;

Thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng; một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 chưa được luật hóa đã ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ;

Năng lực quản trị của một số TCTD còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro.