Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Đảm bảo lợi ích người dân khi thu hồi đất, giảm nguy cơ khiếu kiện

09/10/2022 07:40 GMT+7
Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia nhận định cần bổ sung quy định về các tiêu chí để xác định rõ ràng, cụ thể trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội, công cộng nhằm tránh việc lợi dụng, tùy tiện thu hồi đất gây ra không ít khiếu nại, khiếu kiện.

Nhiều bất cập trong quy định thu hồi đất gây bức xúc trong nhân dân

Đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân. Nguyên nhân chính khiến nhiều người dân liên tục khiếu kiện, khiếu nại từ năm này qua năm khác là từ bất cập trong công tác thu hồi đất.

Phần lớn những vụ khiếu kiện đất đai đều đến từ nguyên nhân có độ chênh lớn giữa giá bồi thường thu hồi đất và giá đất trên thị trường. Mặc dù Luật Đất đai năm 2013 tại điều 74 quy định khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi, do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Nguyên tắc là thế, quy định tưởng như rõ ràng nhưng người dân vẫn bức xúc, vẫn đơn thư, vẫn khiếu nại.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Đảm bảo lợi ích người dân khi thu hồi đất, giảm nguy cơ khiếu kiện - Ảnh 1.

Nhiều vụ khiếu kiện đất đai từ nguyên nhân chênh lệch giữa giá bồi thường thu hồi đất và giá đất trên thị trường (Ảnh: Thái Nguyễn)

Một số chuyên gia cho rằng Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 không định nghĩa hay giải thích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được hiểu là như thế nào. Thay vào đó là liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng tại điều 62.

Với quy định như vậy, thực tế những năm thi hành Luật Đất đai, nhiều trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mang bản chất vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng lại không được quy định trong luật (như các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT), khi triển khai công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn về pháp lý, khó khăn vì sự thiếu hợp tác của người dân cũng như tạo kẽ hở tạo điều kiện cho một số đối tượng trục lợi, tham nhũng dẫn đến thất thoát ngân sách.

Đồng thời, ngược lại, nhiều dự án kinh tế mang bản chất lợi ích của nhà đầu tư nhưng lại được gắn mác lợi ích quốc gia, công cộng nên áp giá đền bù thấp, mang tính áp đặt, mệnh lệnh hành chính trong thu hồi đất. Đây là sự khởi đầu cho những khiếu kiện dai dẳng của người dân bị thu hồi đất.

Đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân trong thu hồi đất

Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế những bức xúc, khiếu kiện và giúp công tác quản lý đất đai hiệu quả, nguồn lực đất đai được phát huy, việc khắc phục những bất cập trong cơ chế thu hồi đất cần được thực hiện triệt để hơn trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này.

Ngoài việc cần phải làm rõ các khái niệm thế nào là phát triển kinh tế - xã hội, thế nào là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi, bồi thường khác nhau, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần có sự đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai để phục vụ cho lợi ích theo cơ chế thị trường, trong đó có vấn đề quan trọng nhất là giá đất của Nhà nước bồi thường cho người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế để người dân tham gia vào quy trình xây dựng bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể bởi họ không thể đứng ngoài cuộc khi người khác định giá tài sản do mình là chủ sử dụng. Cùng với việc xây dựng cơ chế để xác định giá đất theo thời giá thị trường. Trước hết, cần làm rõ khái niệm giá thị trường theo hướng xác định được giá bồi thường cho người dân mà họ có thể "chuyển nhượng" được trên thị trường tự do.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Đảm bảo lợi ích người dân khi thu hồi đất, giảm nguy cơ khiếu kiện - Ảnh 2.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải giải thích rõ khái niệm thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Ảnh: Thái Nguyễn)

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 chỉ ra, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không tạo ra sự chênh lệch về địa tô khi thay đổi mục đích sử dụng đất như xây dựng cầu, đường giao thông, công viên, trường học,… Bên cạnh đó, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc, công cộng như thu hồi đất nông nghiệp xây dựng khu đô thị mới, dân cư nông thôn mới,… trường hợp này tạo sự chênh lệch về địa tô, do có sự thay đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở hoặc đất phi nông nghiệp.

"Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải giải thích rõ khái niệm thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Vì nếu không thống nhất về khái niệm này giữa các địa phương hoặc giữa các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý đất đai, sẽ dẫn đến áp dụng tuỳ tiện, chưa thống nhất, tiềm ẩn tiêu cực, gây ra sự thiếu minh bạch", ông Tuyến nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật cho rằng không thể thu hồi đất của tất cả người dân bằng mệnh lệnh hành chính mà cần có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất. Trong đó quy định rõ ràng, là dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng an ninh thì Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính.

"Đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì việc thu hồi cần thỏa thuận với đối tượng bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân", bà Nga nhận định.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục