Thử nghiệm Fintech: Thiếu hành lang pháp lý, NHNN "sợ" ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về bộ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng để trình Thủ tướng.
Dự kiến thử nghiệm 7 lĩnh vực Fintech, gồm P2P Lending, từ năm 2021
Theo dự thảo nghị định, có 7 lĩnh vực Fintech được tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đối mới sáng tạo như blockchain..., các dịch vụ khác hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn...
Đối tượng được tham gia thử nghiệm bao gồm tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy định tại Luật TCTD 2010, công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech hợp tác với ngân hàng; công ty Fintech/công ty cung ứng giải pháp Fintech độc lập.
Theo NHNN, fintech đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng (unbanked) hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống (underbanked), tạo thêm các lựa chọn cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính-ngân hàng.
Đặc biệt, Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ là một cấu phần quan trọng để đạt được mục tiêu "Chính phủ số và nền kinh tế số" trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhiều nước đang hướng tới, trong đó có Việt Nam.
Thử nghiệm Fintech: Cơ chế chưa thông, rủi ro sẽ lớn
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN), số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần gấp 4 lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 150 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hiện, NHNN cấp phép đủ điều kiện kinh doanh cho 32 đơn vị làm trung gian thanh toán. Trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending), có khoảng 40 công ty cung ứng dịch vụ dưới hình thức dịch vụ công nghệ.
Trên thực tế, dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý để Fintech phát triển.
Trong Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách về việc xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN cũng thừa nhận hiện nay chưa có căn cứ pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động của đa phần các công ty trong lĩnh vực Fintech. Trong khi đó, hoạt động của các công ty này lại chủ yếu gắn với hoạt động kinh doanh có điều kiện là hoạt động tài chính - ngân hàng.
"Việc hoạt động Fintech không có căn cứ pháp lý điều chỉnh có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường và khách hàng", dự thảo báo cáo nêu.
Cụ thể, việc thiếu các quy định pháp lý và quản lý có thể sẽ dẫn đến việc gia tăng số lượng các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức đầy đủ tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Fintech.
Đồng thời, sẽ kéo theo sự bỏ ngỏ trong công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, dẫn đến các doanh nghiệp này có thể thực hiện các hành vi sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội.
Với rủi ro loại bỏ tài chính, một trong những mục tiêu của khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp là đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, tránh phân biệt đối xử và hướng đến phổ cập tài chính.
Trong khi đó, rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu có thể đến từ những doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ tiêu chí về an toàn bảo mật chung của ngành do thiếu hụt các quy định tham gia vào thị trường.
Với rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố, các ngân hàng và các công ty cung ứng giải pháp Fintech được phép phải đáp ứng các quy định chặt chẽ và giám sát liên tục của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Fintech chưa được quản lý sẽ dễ dàng bỏ sót các quy trình này do không chịu kiểm soát chặt chẽ.
Một rủi ro đáng quan tâm nữa chính là rủi ro chi phí trung gian cao. Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng chịu sự quản lý, cơ quan quản lý có thể điều chỉnh các mức trần hoặc sàn phí dịch vụ sao cho phù hợp với thị trường nhằm mục tiêu kích thích hoặc kiềm chế theo từng thời điểm.
Tuy nhiên, đối với những dịch vụ chưa được quản lý, doanh nghiệp có thể tự do điều chỉnh mức phí hoặc liên kết thiết lập trần phí ở mức cao, gây thiệt hại và bất lợi cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, rủi ro không minh bạch do không chịu sự quản lý, giám sát từ phía cơ quan quản lý, các doanh nghiệp Fintech có thể không cung cấp hoặc cung cấp hạn chế các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của mình như phí, bảng giá, phí chuyển đổi… gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, trong một số hoạt động như P2P Lending, huy động vốn cộng đồng, việc thiếu minh bạch có thể dẫn đến mất tiền của nhà đầu tư thông qua việc cung cấp không đầy đủ thông tin về sản phẩm đầu tư hoặc giao dịch nội gián.
Cuối cùng là rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp, hay còn gọi là hình thức đòi nợ theo kiểu "tín dụng đen" tại các sàn đầu tư P2P Lending hoặc huy động vốn cộng đồng.
Theo đó, NHNN cho rằng, cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực Fintech, thiết lập và kiến tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân.
Đồng thời, giải quyết các bất cập, rủi ro và tồn tại phát sinh trên thực tiễn về hoạt động Fintech thông qua thiết kế khuôn khổ thử nghiệm, bao gồm quy định đối tượng tham gia, luồng quy trình quản trị, các tiêu chí đo lường kết quả cũng như quy trình trước, trong và sau khi hoàn thành thử nghiệm.