Vụ trưởng Vụ thanh toán Phạm Tiến Dũng tiết lộ lý do “phá sản” của Fintech
Trong những năm gần đây, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế trên toàn cầu. Đặc biệt, CMCN4.0 đã làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị các ngân hàng theo xu hướng ngân hàng số.
Đồng hành cùng với hệ thống tài chính - ngân hàng truyền thống trong tiến trình chuyển đổi số là các công ty Fintech khi mang lại làn gió đổi mới với nhiều lợi ích cho lĩnh vực này, đồng thời góp phần giúp Chính phủ các quốc gia đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân.
Cụ thể tại Việt Nam, lĩnh vực Fintech đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới được thành lập. Chỉ trong vòng gần 4 năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 như hiện nay.
Theo giới tài chính, điều này thể hiện sự năng động và nhạy bén của của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam khi môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, nhiều cơ quan quản lý trong đó có Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm và cố gắng tạo lập khuôn khổ pháp lý phù hợp với trình độ phát triển của công nghệ cũng như năng lực quản lý.
Đánh giá về xu hướng hợp tác giữa các ngân hàng và Fintech, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, đây là một sự hợp tác tuyệt vời. Bởi nếu không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay.
"Trên thực tế, trước đây từ 7 đến 10 năm, các ngân hàng cũng đã từng trang bị dự án Mobile Banking nhưng sau đó một số đã phải dừng lại. Nhưng khi bắt đầu có sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech thì Mobile Banking và Internet Banking rất khác. Ngoài giao diện, phần lõi của Internet Banking và Mobile Banking được thay đổi, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của khách hàng. Nhờ đến với Fintech, các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số", ông nhận định.
Vụ trưởng Vụ thanh toán lấy ví dụ, các ngân hàng triển khai với Fintech, chẳng hạn với VNPAY thì ngoài việc sử dụng Mobile Banking, tập khách hàng gia tăng đáng kể khi có hệ sinh thái khách hàng từ nhà hàng, y tế, vận tải, vé máy bay... Ông cho rằng, hệ sinh thái số đóng vai trò tiên quyết, và Fintech nào có hệ sinh thái lớn sẽ làm chủ thị trường và cuộc chơi.
"Cũng chính vì thế, nhiều đơn vị đến với chúng tôi để xin giấy phép hoạt động trung gian thanh toán. Tuy nhiên, khi tôi chỉ hỏi đã có hệ sinh thái chưa thì họ đã không quay trở lại. Vì giấy phép chỉ là cái ban đầu, nếu không có hệ sinh thái thì sẽ nhanh chóng phá sản", ông Dũng chia sẻ thêm.
Nhìn lại sự hợp tác của ngân hàng và Fintech trong những năm qua, ông Phạm Tiến Dũng kỳ vọng 2-3 năm nữa lĩnh vực P2P trong tương lai cũng sẽ đạt được hiệu quả tương tự, trở thành cầu nối giúp ngân hàng đến với nhiều khách hàng hơn.
Thói quen sử dụng mobile banking của người dân Việt Nam cũng đã có sự thay đổi. "Tôi tin rằng nếu đã sử dụng mobile banking thì không ai còn muốn quay lại thời mà phải có người đến nhà thu tiền điện, tiền mạng, tiền nước nữa", ông Dũng chia sẻ. Ông cũng tin rằng, với sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thì hệ sinh thái số dịch vụ công cũng sẽ sớm hoàn thiện.
Ông bật mí, dịch vụ công đang được Chính phủ đẩy mạnh, các Fintech dần tạo cho Chính phủ một hệ sinh thái dịch vụ công. Thông tin khách hàng sẽ được chuyển từ bộ này sang bộ khác và không phải mất nhiều thời gian kê khai lại. Trong tháng 11 hoặc 12 sẽ có một số dịch vụ công được Chính phủ cho ra đời.