Thưởng Tết: Có chỗ 100 triệu, nơi chỉ 50.000 đồng
Sáng 17/12, phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) lần thứ 12, bà Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ Đồng Nai - cho biết, qua khảo sát 180 đơn vị trên địa bàn cho thấy, có khoảng 48.000 công nhân, người lao động bị giảm việc làm, gần 900 người mất việc, hơn 1.400 người bị nợ bảo hiểm xã hội.
Về thưởng Tết, Chủ tịch LĐLĐ Đồng Nai cho biết, những nơi thấp mức thưởng trung bình vào khoảng 1 tháng lương, cao thì 2,5 tháng lương. Cá biệt có đơn vị mức thưởng cao nhất lên đến 100 triệu đồng nhưng có đơn vị chỉ thưởng 50.000 đồng.
Để chăm lo Tết cho công nhân, bà Nguyễn Thị Như Ý đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ 70.000 người với mức 500.000 đồng/người. Khoảng 150.000 lao động hưởng hỗ trợ từ tài chính công đoàn với quà tiền mặt trị giá 1 triệu đồng/người.
Theo ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tình trạng người lao động mất việc, thiếu việc, giãn việc dự báo sẽ tiếp diễn trong các tháng đầu năm 2023, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán. Ông Khang đề nghị các cấp công đoàn cần tập trung tổ chức tốt các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân, lao động.
Đặc biệt, Chủ tịch Tổng LĐLĐ đề nghị các cấp công đoàn cần theo dõi sát tình hình quan hệ lao động, tình hình người lao động mất việc, giảm việc để kịp thời đề xuất và có chính sách chăm lo thỏa đáng đối với người lao động, “không để người lao động nào không có Tết”.
Với các địa phương có đông công nhân, lao động không có điều kiện về quê ăn Tết, ông Khang đề nghị các cấp công đoàn có chính sách chăm lo cho phù hợp, giúp mọi người lao động đều được vui Xuân, đón Tết cổ truyền ấm áp như trên chính quê hương mình.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, những tháng cuối năm 2022, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Cụ thể, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu công đoàn các cấp nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật.