Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét lập thành phố Thủ Đức và Phú Quốc
Trong phiên họp thứ 51, dự kiến diễn ra từ ngày 9-11/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM.
Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM, trong đó có việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, trong đó quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc Thành phố. Đây là cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập.
Cũng tại kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét và quyết định việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo đề án trình Chính phủ ngày 1/8 về việc thành lập thành phố Phú Quốc của UBND tỉnh Kiên Giang, thành phố sẽ có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: hai phường (Dương Đông, An Thới) và sáu xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn). Xã Hòn Thơm nhập vào thị trấn An Thới thành phường An Thới.
Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc thành lập các thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; Các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 của Quốc hội; đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020.
Xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội cũng nằm trong chương trình dự kiến.
Việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi và xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
Các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được xem xét, thông qua gồm: Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung (hướng dẫn khoản 5 Điều 45, khoản 4 Điều 52, khoản 6 Điều 54 và khoản 2 Điều 92 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).
Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (hướng dẫn khoản 3 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).