Thủy sản Sài Gòn lỗ âm vốn chủ 849 tỷ nợ Sacombank hơn 950 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán của Công ty cổ phần Thủy hải sản Sài Gòn (APT), hoạt động kinh doanh chính không đến nỗi bết bát. Năm 2020, Thủy sản Sài Gòn đem về 350 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gộp 49 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty thủy sản này đã phải chịu lỗ nặng 206 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ chi phí tài chính cũng ghi nhận ở mức 206 tỷ đồng.
Khoảng 46 tỷ đồng chi phí tài chính là do lãi vay, hơn 160 tỷ đồng là lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại gốc và lãi khoản vay bằng vàng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (Ngân hàng TMCP Phương Nam cũ).
Đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế của Thủy hải sản Sài Gòn ở mức âm 939 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu công ty âm 849 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả là 1.016 tỷ đồng.
Hãng kiểm toán AASC đưa ý kiến ngoại trừ việc các khoản nợ ngắn hạn của Thủy hải sản Sài Gòn lớn hơn tài sản ngắn hạn 924 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng đang có các khoản nợ đến hạn chưa thanh toán như các khoản vay trị giá 428 tỷ đồng, các khoản phải trả ngắn hạn khác trị giá 565 tỷ đồng.
AASC cho rằng đây là các dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Phần lớn nợ vay ngắn hạn của Thủy hải sản Sài Gòn đến từ Sacombank, 428 tỷ đồng. Trong đó, gần 76 tỷ đồng tăng thêm trong năm 2020 do đánh giá lại khoản nợ vay vàng SJC.
Đây đều là các khoản vay phát sinh từ năm 2009, khi đó đảm bảo bằng toàn bộ tài sản của công ty, gồm khoản vay 5.833 lượng vàng SJC.
Bên cạnh đó, Thủy hải sản Sài Gòn còn khoản phải trả tiền lãi vay 549 tỷ đồng: đối với Sacombank là 524 tỷ đồng, và gần 25 tỷ đồng với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. Theo đó, tổng dư nợ của Thủy hải sản Sài Gòn với Sacombank vào khoảng 952 tỷ đồng.
“Từ năm 2010 đến nay, công ty đã từng bước khôi phục hoạt động sản xuất. Nếu không tính các khoản nợ, lãi phải trả ngân hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty có lợi nhuận bình quân gần 5 tỷ đồng/năm”, theo lãnh đạo công ty.
Trong năm 2020, Thủy hải sản Sài Gòn có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu cổ đông. Cổ đông lớn nhất vẫn là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, nắm 30%. Nhưng hai cổ đông lớn khác xuất hiện là CTCP Đầu tư SFC nắm 22,81% và bà Hồ Thị Sương nắm 18,02%.
Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy Hải sản Sài Gòn được thành lập từ năm 1976 và được chuyển đổi mô hình hoạt động từ Công ty Nhà nước sang công ty Cổ phần từ tháng 1/2007.
Theo báo cáo thường niên 2020, cổ đông Nhà nước, đại diện là SATRA đang nắm 30% vốn, công ty còn có cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần đầu tư SFC, doanh nghiệp có liên quan đến chủ tịch HĐQT công ty hiện tại đang nắm hơn 22,81% vốn công ty và một cổ đông cá nhân nắm 18% vốn công ty.
Trong các phương án khắc phục được đưa ra, hội đồng quản trị lưu ý việc cho phép SFC mua lại 51% vốn công ty mà không phải chào mua công khai.
Riêng đối với khoản nợ tại Sacombank, ban lãnh đạo cho biết các giải pháp xử lý nợ trước đây như chuyển nợ vay thành vốn góp điều lệ, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện việc tái cấu trúc công ty theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM đã được Đại hội cổ đông thông qua nhiều năm. Ban lãnh đạo công ty cũng đã xây dựng thành các phương án để đàm phán với ngân hàng nhưng không thể thực hiện được do cơ chế pháp lý. Vì vậy, công ty đang đề xuất phương án hai bên cùng tìm kiếm nhà đầu tư mua lại khoản nợ vay này.
Ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh việc phải thanh toán các khoản phải trả ngân sách Nhà nước, nợ lãi cho SATRA và các khoản nợ phải trả đã quá hạn tại Sacombank đối với công ty là rất khó thực hiện, nằm ngoài khả năng công ty. Nếu không có giải pháp tài chính phù hợp sẽ làm ảnh hưởng dẫn đến ngừng trệ mọi hoạt động của công ty. Tính đến cuối năm 2020, APT có khoảng 320 nhân sự.