Thủy sản tìm kiếm cơ hội mới giữa đại dịch Covid-19
Thủy sản đồng loạt trượt giá
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ tháng 12/2019 đến nay, giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống ở ĐBSCL giảm 30 - 50% do thị trường xuất khẩu gặp khó.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, TP. Ngã Bảy cho biết: "Thị trường cá tra năm nay biến động quá lớn khiến người nuôi trở tay không kịp. Trước đây, giá cá từ 28.000 - 29.000 đồng/kg, nhưng hiện nay, chỉ còn từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành đầu tư từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. "Dù giá cá rơi tận đáy nhưng doanh nghiệp không mua bởi đầu ra do thị trường chủ yếu là Trung Quốc đã ngừng thu mua. Vì vậy, tất cả đành "bó tay" đợi COVID-19 đi qua. Hiện nay, nhiều hộ không bán được đành cho cá ăn cầm chừng, cá càng lớn lại càng mất giá".
Theo đó, giá hàng loạt thủy sản cũng giảm mạnh. Tôm hùm chỉ còn ở mức giá 500.000 – 700.000, thấp nhất trong 3 năm qua. Cua biển Cà Mau cũng không "thoát" cảnh mất giá. Từ 650.000 - 700.000 đồng/kg trước Tết, cua gạch Cà Mau hiện chỉ còn khoảng 300.000 đồng; cua thịt cũng giảm một nửa, giá còn khoảng 200.000 đồng/kg. Dù đã qua nhiều đợt "giải cứu" nhưng giá thủy sản vẫn chưa thể mang lại lãi cho ngư dân.
Xuất sang Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong quý I
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo Bộ Công thương, tháng 1/2019, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Nhưng trong tháng 1/2020, tỷ trọng đã giảm xuống còn 8,9%.
Covid-19 tại Trung Quốc đã có tác động đến xuất khẩu thủy sản đầu năm nay. Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này giảm từ 10% trong tháng 1/2019, xuống còn 8,9% trong tháng 1/2020. Từ tháng 2, tác động của dịch đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sẽ rõ nét hơn.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá. Do đó, chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản theo đường biên giới đất liền, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng trong thời gian chưa kiểm soát được dịch do tác động hạn chế giao thương.
Bên cạnh đó, hiện tượng dồn ứ hàng tại các cảng biển của Trung Quốc, cùng với tác động của Covid-19 đến kinh tế và tiêu dùng thủy sản của nước này, sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm mạnh trong quý I/2020.
Vẫn có cơ hội
Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhưng cũng là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (đạt giá trị xuất khẩu hơn 20 tỷ USD năm 2017). Covid-19 sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc gặp khó khăn lớn và có thể bị suy giảm đáng kể, làm cho thị trường thế giới sẽ tạm thời thiếu hụt nguồn cung với nhiều mặt hàng thủy sản.
Đứng trước khó khăn của nền kinh tế do đại dịch COVID-19, một tín hiệu đáng mừng đã đến, mở ra cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới cho ngành thủy sản Việt Nam đó là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã chính thức được Nghị Viện châu Âu (EP) thông qua tại phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp) chiều 12/2. Điều này được các chuyên gia kinh tế đánh giá sẽ tạo đòn bẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực thủy sản.
Sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, một số sản phẩm thủy sản chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…
Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh, được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.
Đại diện VASEP cho rằng, khi COVID-19 đang bùng phát mạnh, tác động đến nhiều ngành kinh tế thì EVFTA thực sự là cánh cửa rộng mở cho thủy sản Việt Nam. Bởi, ngoài cắt giảm thuế, EVFTA còn giúp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các nước như Ấn Độ, Thái Lan... Tuy vậy, để tận dụng tốt "sân chơi" này, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của Việt Nam so các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá.