Tiền kỹ thuật số của Trung Quốc "ưu việt" hơn đồng Libra của Facebook?
Tham vọng của Trung Quốc từ dự án tiền điện tử CBDC
Nguồn tin trên tờ Reuters đăng tải, ông Mu Changchun, Phó giám đốc mảng thanh toán của PBOC cho hay đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành (gọi tắt là tiền CBDC) gần như đã sẵn sàng ra mắt thị trường. Bloomberg cũng dẫn nguồn tin tương tự.
Kể từ năm 2014 đến nay, các nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên của PBOC đã làm việc nỗ lực để nghiên cứu và chuẩn bị phát hành loại tiền kỹ thuật số thay thế cho tiền mặt, tương tự như ý tưởng tiền điện tử của ngân hàng Thụy Điển Riksbank. Theo một thống kê, có tới 996 nhân viên đang làm việc tại Viện Tiền kỹ thuật số để chuẩn bị cho sự ra đời của CBDC.
Mati Greenspan, nhà phân tích thị trường cấp cao từ eToro cho hay: “Tôi vẫn đang tìm hiểu lợi thế của đồng tiền kỹ thuật số mà Trung Quốc sắp phát hành trên nền tảng hệ thống tiền tệ hiện nay. Nhiều yếu tố cho tôi thấy rằng đây sẽ là một thứ gì đó khác xa những gì chúng ta đang nhận định về tiền điện tử”.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng Trung Ương toàn cầu đang duy trì cái nhìn hoài nghi về kế hoạch ra mắt tiền kỹ thuật số Libra của Facebook. Ngay tại chính quê hương mình, Libra cũng bị Tổng thống Trump chỉ trích “không đáng tin cậy”, bị Hạ viện và Thượng viện Mỹ liên tục chất vấn về rủi ro bảo mật cũng như các lỗ hổng công nghệ có thể gây ảnh hưởng lớn lao đến hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông Mu Changchun hiện chưa tiết lộ thời điểm đồng tiền kỹ thuật số này ra mắt thị trường. Nhưng rất có thể, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành đồng tiền ảo của riêng mình, qua đó thể hiện khát khao phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Mỹ đang ngập ngừng, e dè đồng Libra.
Tiền kỹ thuật số của Trung Quốc ưu việt hơn tiền Libra của Facebook?
Ông Mu Changchun chỉ ra bất cập của công nghệ blockchain ở Bitcoin và Ethereum, khi hai nền tảng này chỉ thực hiện được khoảng dưới 20 giao dịch mỗi giây. Ước tính, đồng Libra của Facebook cũng chỉ thực hiện được khoảng tối đa 1.000 giao dịch/ giây do vẫn dựa trên nền tảng blockchain. Trong khi đó, tại khung giờ cao điểm, lượng giao dịch trực tuyến của Trung Quốc đạt tới 92.771 giao dịch/giây.
Do đó, tiền kỹ thuật số của Trung Quốc không dựa trên hệ thống nguyên mẫu blockchain mà sẽ phát triển một “kiến trúc” vận hành đa dạng, phức tạp hơn để đáp ứng nhu cầu tiềm năng khổng lồ của thị trường Trung Quốc: tốc độ cao, bảo mật tốt, giao dịch thuận tiện. Thực tế, Trung Quốc đã xây dựng thành công nguyên mẫu mô phỏng thực tế của hệ thống tiền tệ CBDC.
Theo một báo cáo, PBOC sẽ chạy hệ thống tiền ảo trên một hệ điều hành hai tầng nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận và sự thuận lợi của các giao dịch. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là nhà phát hành cao cấp và các ngân hàng thương mại khác đều là nhà phát hành thứ cấp hợp pháp của CBDC.
“Vì hệ thống này không thông qua các tổ chức vận hành trung gian, nên nó sẽ giải quyết triệt để các hạn chế liên quan đến giao dịch xuyên biên giới, thời gian giao dịch kéo dài…” ông Shafou Jun, chủ tịch China UnionPay nhận định.
Với CBDC, Bắc Kinh dường như đang muốn chứng minh nền kinh tế tự chủ, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài thông qua hệ thống tiền kỹ thuật số hoàn thiện, khác biệt. Trung Quốc rõ ràng đã thể hiện sự nỗ lực tận dụng các nguồn lực và mối liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp để chuẩn bị cho sự ra đời của CBDC.