Tín dụng chính sách "trợ lực" giúp người dân Quảng Ngãi giảm nghèo nhanh và bền vững

01/11/2024 15:17 GMT+7
Tại tỉnh Quảng Ngãi, những năm qua với “trợ lực” là nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tiếp sức cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ có nguồn vốn này mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát triển sinh kế, ổn định sản xuất để nâng cao thu nhập.

Hiệu quả từ việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp quy mô tăng trưởng tín dụng mở rộng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Tín dụng chính sách "trợ lực" giúp người dân Quảng Ngãi giảm nghèo nhanh và bền vững - Ảnh 1.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên tổ chức các Hội nghị đánh giá hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Ảnh: Q.N.

Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Quảng Ngãi trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

UBND các cấp đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ NHCSXH cơ sở vật chất và cân đối chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.

Tín dụng chính sách "trợ lực" giúp người dân Quảng Ngãi giảm nghèo nhanh và bền vững - Ảnh 2.

Mô hình trồng nấm của hộ ông Hồ Ngọc Hoàn và bà Trương Thị Lệ Quyên ở thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Q.N.

Cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho NHCSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp xác định việc huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, công tác bố trí nguồn lực tài chính thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tín dụng chính sách "trợ lực" giúp người dân Quảng Ngãi giảm nghèo nhanh và bền vững - Ảnh 3.

Đại diện Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ với phóng viên. Ảnh: T.H.

Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2014 (khi chưa có Chỉ thị 40-CT/TW) là hơn 53 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn nhận ủy thác đạt 464,4 tỷ đồng, thực hiện các chương trình như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm; duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hộ nghèo; cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài....

"Trợ lực" cho người dân giảm nghèo

Bà Linh cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đã giúp cho 306.903 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được vay vốn với số tiền 10.915 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 30/6/2024 đạt 5.570 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ đồng so năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng 141,5%, với gần 107.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ.

Tín dụng chính sách "trợ lực" giúp người dân Quảng Ngãi giảm nghèo nhanh và bền vững - Ảnh 5.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đã giúp cho 306.903 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được vay vốn. Ảnh: Q.N.

Tạo điều kiện cho 61.481 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 7.073 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 46.351 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 425 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng 162.664 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 4.528 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2023 còn 6,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,97%, góp phần hoàn thành tích cực một số chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi xác định chủ trương lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để củng cố, phát huy, nhân rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác, giao các tổ chức chính trị - xã hội phát triển các dự án khởi nghiệp hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhằm định hướng phát triển kinh tế cho hộ gia đình.

Tín dụng chính sách "trợ lực" giúp người dân Quảng Ngãi giảm nghèo nhanh và bền vững - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH thăm điểm giao dịch xã tại tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Q.N.

"Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi mong muốn Tỉnh ủy Quảng Ngãi sẽ tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW.

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tín dụng chính sách xã hội, xem đây là giải pháp quan trọng cho công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu....", bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi nói.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục