'Tội phạm kinh tế, tham nhũng gắn với lợi ích nhóm có chiều hướng gia tăng'
Sáng 15/9, tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong kỳ đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên.
Đến nay đã có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh, có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.
Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người.
Cơ quan công an đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng là một trong những nội dung được quan tâm tại phiên họp. Báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền gần 88.605 tỷ đồng; trong đó: số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc với số tiền hơn 50.366 tỷ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.493 việc (đạt tỉ lệ 53,61%) với số tiền hơn 10.327 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 20,51%).
Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhấn mạnh năm 2022, công tác thanh tra, kiểm toán được triển khai tương đối toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.
Cơ quan thẩm tra cho rằng trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.
"Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực", bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn chưa phát huy hiệu quả rõ nét. Trong đó, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch và chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.
Tại phiên họp, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng. Trên cơ sở đó, xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.